Ngày 3/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khu vực về “Sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nước Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Khung pháp lý quốc gia và kinh nghiệm thực tiễn - tác động đối với Việt Nam.”
Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng tổ chức trong khuôn khổ đối tác ASEAN-Hàn Quốc.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo có các chuyên gia đến từ các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc; đại diện các Đại sứ quán ASEAN và các đối tác của ASEAN tại Hà Nội.
Về phía Việt Nam có các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan báo chí, các viện nghiên cứu, học giả, chuyên gia độc lập.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một quyết định quan trọng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ trương của Đại hội Đảng XI về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao vị trí và tiếng nói của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam.
Từ năm 2005, Việt Nam đã tiến hành quá trình chuẩn bị nhiều mặt cho sự tham gia, trong đó có việc xây dựng khung pháp lý quốc gia.
Hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hội thảo đã lắng nghe nhiều kinh nghiệm thiết thực của các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc, đóng góp cho những người làm công tác nghiên cứu, các cơ quan liên quan của Việt Nam tìm hiểu thêm kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý tham gia của các nước trong khu vực dưới các góc độ khác nhau để cân nhắc trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc./.