Tham vọng của Trung Quốc và mục tiêu của Mỹ ở Đông Nam Á

Quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm hội nhập kinh tế, hợp tác hàng hải, những nhà lãnh đạo tiềm năng, cơ hội cho phụ nữ và các thách thức xuyên quốc gia.
Vùng biển ngoài khơi Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN)

ASEAN hiện đang nắm giữ vai trò trung tâm tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây hấn. Việc này đã buộc các cường quốc ngoài khu vực có những động thái nhằm bảo vệ sự cân bằng chiến lược tại đây. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Pradhan về vấn đề này, đăng trên tờ Times of India.

Quan hệ Mỹ-ASEAN bắt đầu từ năm 1977 khi Mỹ trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.Sau đó, mối quan hệ đã được mở rộng, đặc biệt dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Chính sách “xoay trục” về châu Á, mà sau này là “tái cân bằng” mang ý nghĩa công nhận vai trò quan trọng của Đông Nam Á và ASEAN trong duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực chiến lược này.

Sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực được thúc đẩy bởi cả động lực chiến lược và kinh tế, mặc dù về sau này động lực chiến lược đã trở nên quan trọng hơn. Mỹ công nhận “Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới.”

Mục tiêu của Mỹ là “thúc đẩy các lợi ích của Mỹ trong một Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng, hội nhập, tôn trọng pháp quyền, đề cao nhân quyền, tích cực giải quyết các mối quan tâm của khu vực và thế giới.”

Mỹ ưu tiên phát triển kinh tế, hợp tác năng lượng, giao lưu nhân dân, thanh niên và giáo dục trong quan hệ với ASEAN. Quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm hội nhập kinh tế, hợp tác hàng hải, những nhà lãnh đạo tiềm năng, cơ hội cho phụ nữ và các thách thức xuyên quốc gia.

Quan hệ của Mỹ với ASEAN phát triển sâu rộng kể từ năm 2009. Mỹ đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) vào năm 2009, tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào năm 2011 và bắt đầu tổ chức các Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ hàng năm kể từ năm 2012.

Năm 2015, Mỹ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược; năm 2016, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ được tổ chức tại Mỹ. Ông Obama đánh giá ASEAN là trung tâm của hòa bình, thịnh vượng của khu vực và của mục tiêu xây dựng trật tự khu vực của Mỹ-nơi tất cả các quốc gia đều tuân theo luật lệ của cuộc chơi.

Mặc dù vậy, mối quan hệ này đã chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ Mỹ; Mỹ lúc này vẫn đang tập trung vào Tây Á và Nga. Việc Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được coi là thay đổi cách tiếp cận nhất quán từ thời Chính quyền Obama.

Kể tiếp đến là việc Tổng thống Trump trì hoãn Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ 2018 và 2019. Những động thái trên được hiểu rằng Mỹ chưa chú trọng đến ASEAN ở mức độ nên có.

Báo cáo khảo sát các nước Đông Nam Á 2020 cho thấy niềm tin khu vực đối với Mỹ đang ở mức thấp. Theo số liệu, đa số người dân Việt Nam, Philippines và Singapore sẽ chọn Trung Quốc nếu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã sớm nhận thức được sự cần thiết phải quan tâm đến khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều hành động bắt nạt tại đây; theo đó đã đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2019, quan hệ Mỹ-ASEAN bắt đầu được củng cố.

ASEAN đã tăng cường hợp tác an ninh đa phương và song phương với Mỹ. Các cuộc tập trận quân sự Mỹ-ASEAN ngày càng mang tính đa phương hơn. Tháng 8 năm 2019, Mỹ đã tổ chức diễn tập quân sự Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (hay còn gọi là SEACAT), quy tụ sự tham gia của tất cả các nước ASEAN trừ Myanmar và Lào.

Từ ngày 2-6/9, Mỹ đã thực hiện cuộc tập trận chung Mỹ-ASEAN đầu tiên để diễn tập các hoạt động hải quân. Mỹ cũng tăng cường bán thiết bị quân sự cho các nước ASEAN.

Tầm quan trọng của ASEAN đối với các lợi ích kinh tế, chiến lược của Mỹ cũng được đánh giá cao hơn. Hai bên có nhiều lợi ích chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ cũng hoan nghênh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Tương lai kinh tế của Mỹ tập trung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà Đông Nam Á là một trong thị trường lớn và có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, mang lợi nhiều cơ hội lớn cho các công ty Mỹ trong những thập kỷ tới.

ASEAN đã và đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Đến năm 2050, tầng lớp trung lưu tại các nước ASEAN ước tính có khoảng 350 triệu người, với thu nhập khả dụng đạt 300 tỷ USD. Mỹ cũng đã công nhận vị trí trung tâm của Biển Đông đối với thương mại.

[Quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong tương quan với Trung Quốc ở Biển Đông]

Thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với Ấn Độ trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã khiến Mỹ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn đối với nước này. Mỹ tuyên bố chấm dứt thời kỳ xoa dịu Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngày 13/7 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Chính phủ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí tại khu vực, đồng thời bác bỏ các yêu sách về đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng yêu sách này là “hoàn toàn bất hợp pháp."

Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ tuyên bố rằng Washington đang điều chỉnh lập trường về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông phù hợp với Phán quyết của Toà Trọng tài PCA hồi năm 2016. Mỹ cũng đã triển khai 02 tàu sân bay tại Biển Đông.

Về bản chất, cách tiếp cận của Mỹ có 4 điểm quan trọng. Thứ nhất, Mỹ đã đưa ra quan điểm về tranh chấp chủ quyền của các nước về biển và đáy biển; điều này có ý nghĩa rất quan trọng với các quốc gia duyên hải.

Thứ hai, Mỹ đã khẳng định sự ủng hộ đối với Phán quyết năm 2016 của Toà PCA mà theo đó đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Thứ ba, Mỹ cho rằng các thực thể như Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây, Bãi Cỏ Rong không phải đối tượng của bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào.

Ngoại trưởng Mỹỳ Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Mỹ cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể như Cụm bãi Lucania, Bãi ngầm James (ngoài khơi Malaysia) và Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam). Thứ tư, lần này Mỹ đã khẳng định rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc là “bất hợp pháp.” Trước đó, Mỹ chỉ sử dụng các cụm từ như “gây bất ổn” hoặc “gây hấn.”

Vậy sự thay đổi trong cách tiếp cận này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ Mỹ-ASEAN? Hiện nay, Mỹ đang ngày càng gần hơn với cách tiếp cận của ASEAN. Tại các diễn đàn quốc tế, Mỹ sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ ASEAN.

Tại Liên hợp quốc, một số nước tham gia tranh chấp trên Biển Đông đã có những động thái để buộc Trung Quốc thực hiện Phán quyết của Tòa PCA và chắc chắn Mỹ ủng hộ việc này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ các giải pháp thay thế BRI, ưu tiên vào các đường cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mỹ cũng có thể hỗ trợ việc dịch chuyển công ty từ Trung Quốc sang ASEAN một cách dễ dàng hơn; đồng thời giúp các nước ASEAN tăng cường khả năng phòng thủ quốc phòng.

Quan hệ gắn bó giữa Mỹ và Việt Nam - nước hiện nay đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ có lợi cho ASEAN trong nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ. Việc Mỹ ngay lập tức hỗ trợ việc hoàn thiện sớm một COC ràng buộc về pháp lý và thực hiện Phán quyết của Toà PCA sẽ có giá trị vô giá.

Hiện Mỹ đang quan tâm đến việc trừng phạt Trung Quốc vì những hành vi bắt nạt của nước này; do đó, ASEAN sẽ nhận được những sự hỗ trợ cần thiết theo như phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo hôm 10/9 trong cuộc họp với ASEAN.

Về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ mong muốn duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. Mỹ sẽ chuyển hướng sự phụ thuộc đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN, mặc dù ASEAN cần nỗ lực nghiêm túc hơn nữa.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng cũng sẽ có nhiều thách thức. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực chia rẽ ASEAN, gây khó khăn đối với các nước được Trung Quốc coi là ủng hộ Mỹ bởi Trung Quốc cho rằng Mỹ đứng sau mọi vấn đề.

Thứ hai, Mỹ sẽ phải thực hiện các thoả thuận song phương nhằm xây dựng năng lực và điều này phụ thuộc vào các nước thành viên ASEAN. Không phải tất cả quốc gia đều sẵn sàng tăng cường quan hệ hơn nữa với Mỹ bởi họ sợ làm mếch lòng Trung Quốc.

Thứ ba, việc Mỹ ưu tiên chuyển các công ty từ Trung Quốc sang một số nước ASEAN có ưu điểm về kinh tế sẽ gây ra sự phản đối từ những nước khác. Thứ tư, cách tiếp cận của Mỹ đối với tranh chấp trên Biển Đông có thể thay đổi sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mặc dù tự do hàng hải vẫn là ưu tiên của Mỹ xét trên các lợi ích chiến lược và kinh tế của nước này.

Đây là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Với khả năng thống nhất ASEAN và xử lý quan hệ với nhiều bên khác nhau trong nội bộ Mỹ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đưa ASEAN vượt qua các khó khăn trên trong nhiệm kỳ Chủ tịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục