Thanh khoản dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã “hút tiền” ra khỏi hệ thống

'Tháng Sáu, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, khiến Ngân hàng Nhà nước phải phát hành ra một lượng tín phiếu lớn để hút tiền ra khỏi hệ thống.'
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Tháng Sáu, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khá dồi dào, khiến Ngân hàng Nhà nước phải phát hành ra một lượng tín phiếu lớn để hút tiền ra khỏi hệ thống. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng chậm cũng là một nhân tố hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng,” ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán – SSI cho biết.

Trên thị trường tiền tệ, động thái chủ động điều tiết thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước có thể thấy rõ qua việc nâng lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28 ngày (từ mức 0,9% lên 1,25%) đồng thời phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày trở lại (sau 3 năm tạm ngưng).

Hút ròng 120.000 tỷ đồng trong tháng Sáu

Báo cáo thống kê từ SSI chỉ ra, tổng khối lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hút ròng (trong 3 tuần cuối tháng Sáu) là 120.000 tỷ đồng và đẩy lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng mạnh, đạt 150.000 tỷ đồng và đây là mức cao nhất kể từ đầu năm.

Một diễn biến trái chiều, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng có mức thấp nhất kể từ 4 năm trở lại đây. Theo ước tính từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,5% trong 6 tháng qua (các mức tương ứng là 7,86% năm 2015; 8,21% năm 2016; 9,01% năm 2017). Trong khi, mức tăng trưởng huy động toàn ngành lại lên tới 8% và đóng góp một phần trong đó là từ phía Ngân hàng Nhà nước với việc bơm ra một lượng tiền lớn để mua vào 12 tỷ USD cho hoạt động dự trữ ngoại hối.

Cuối tháng Sáu, lãi suất liên ngân hàng cũng điều chỉnh giảm đáng kể trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, đi từ mức 1,6% xuống còn 0,6% ở kỳ hạn qua đêm.

Tuy nhiên, xu hướng này có sự đảo chiều vào đầu tháng Bảy, khi Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ra 58.000 tỷ đồng và khiến khối lượng tín phiếu lưu hành lại giảm xuống còn 92.5000 tỷ đồng.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn.)


Lãi suất trái phiếu tăng

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, xu hướng tăng lãi suất thể hiện cũng rất rõ rệt. Thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tới thời điểm trung tuần tháng Bảy, lãi suất trúng thầu trái phiếu đã tăng thêm từ 30 – 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm, đi ngược với xu hướng giảm kéo dài từ năm 2016.

Theo diễn biến chung, lãi suất trên thị trường trái phiếu thứ cấp đã tăng mạnh, đặc biệt tại kỳ hạn 7 năm tăng trên 70 điểm cơ bản (so với mức đáy của năm 2018). Và, các kỳ hạn ngắn từ 1 năm - 2 năm đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản và khiến đường cong lợi suất trái phiếu dốc hơn.

“Điều này cho thấy kỳ vọng tăng lãi suất trong dài hạn ngày càng rõ nét,” ông Hùng Linh chỉ ra.

Biến động tỷ giá

Thời điểm gần đây, thị trường ngoại hối đánh dấu chuỗi biến động tỷ giá, với mức tăng mạnh 150 đồng đã bật lên khỏi nền giá duy trì trong hơn một năm qua. Hai tuần đầu tháng Bảy, tỷ giá tiếp tục tăng thêm 100 đồng, tương đương mức tăng 1,1% (trong vòng 1 tháng) và giao dịch ở mức 23.010/23.080  đồng/USD trên thị trường ngân hàng.

Theo đó trên thị trường tự do, tỷ giá cũng chịu chung áp lực và tăng mạnh 360 đồng lên mức 23.180/23.230 đồng/USD, chênh lệch giá mua - bán tăng từ 20 đồng lên 50 đồng.

Theo ông Linh, sức ép lên tỷ giá trong tháng Sáu xuất phát từ cả hai yếu tố bên ngoài và tâm lý bên trong.

Trên thị trường quốc tế, đồng tiền tại các quốc gia đồng loạt mất giá khi Chính phủ Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc đồng thời làm dấy mối lo ngại một cuộc chiến thương mại leo thang.

Cụ thể, từ đầu tháng 6 đến nay, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,5%, Bath của Thailand mất giá 3,8% và Rupiah của Indonesia mất giá 3,4%.

“Việc các đồng tiền trên thế giới mất giá tác động đến tâm lý trong nước và khiến tỷ giá tăng. Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối cung - cầu ngoại tệ không lớn đến mức có thể đẩy tỷ giá tăng mạnh,” ông Linh nói.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất siêu đã quay trở lại trong tháng Sáu với giá trị 800 triệu USD và nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3,74 tỷ USD, giúp cán cân tổng thể đạt thặng dư 9,57 tỷ USD (trong 6 tháng) và tăng mạnh so với 2,5 tỷ USD cùng kỳ năm 2017. Điều này đã hậu thuẫn tích cực cho tỷ giá trong nước.

Ngoài yếu tố tâm lý kể trên, ông Linh cho rằng, những biến động trong giao dịch liên ngân hàng và động thái hút thanh khoản bằng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước giúp thu hẹp nguồn cung tiền cũng góp phần hỗ trợ cho tỷ giá.

“Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, xấp xỉ 65 tỷ USD, tương đương 15 tuần nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phát tín hiệu sẽ can thiệp hỗ trợ thị trường để hỗ trợ tỷ giá,” ông Linh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục