Thành lập trung tâm đối phó với Trung Quốc: Động thái cải tổ của CIA

Việc CIA thành lập một trung tâm mới phụ trách các vấn đề liên quan đến Trung Quốc phản ánh quan điểm của cộng đồng tình báo Mỹ coi Bắc Kinh là một mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong dài hạn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo hãng Reuters/CNN.com, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 7/10 đã công bố hàng loạt thay đổi cấu trúc, bao gồm việc thành lập một trung tâm mới phụ trách các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Đây là kết quả của quá trình đánh giá kéo dài nhiều tháng, đồng thời phản ánh quan điểm của cộng đồng tình báo Mỹ coi Bắc Kinh là một mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong dài hạn.

Hãng tin Reuters lưu ý động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trung tâm sứ mệnh Trung Quốc

Trong một tuyên bố, Giám đốc CIA William Burns thẳng thừng khẳng định trung tâm mới mang tên Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc "sẽ củng cố hơn nữa sứ mệnh tập thể của chúng ta đối với mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ XXI, một chính phủ Trung Quốc ngày càng đối địch."

Tuyên bố này một lần nữa khẳng định những gì mà chính trị gia kỳ cựu này đã từng đưa ra tại các phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ rằng sứ mệnh nói trên nằm trong những ưu tiên chủ đạo của ông khi điều hành CIA.

Reuters dẫn lời ông Burns nói thêm rằng trung tâm sứ mệnh Trung Quốc này sẽ bao quát tất cả những lĩnh vực sứ mệnh khác của CIA, nhấn mạnh rằng CIA quan ngại đến "mối đe dọa... từ chính phủ Trung Quốc, chứ không phải từ người dân Trung Quốc."

Reuters cũng dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của CIA nói rằng việc thành lập trung tâm mới về Trung Quốc giống như việc CIA tập trung hết nguồn lực vào Nga thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Trước đây, CIA không hề có bất kỳ trung tâm nào công khai sứ mệnh về Trung Quốc. Trong những tháng đầu cầm quyền của chính quyền Joe Biden, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục gay gắt do bất đồng sâu sắc về những vấn đề như nhân quyền, Hong Kong và Biển Hoa Nam (Biển Đông).

[Cộng đồng tình báo Mỹ qua lăng kính của Tân Hoa xã]

Tuần này, giới chức cấp cao hai bên đã có cuộc gặp nhằm cải thiện liên lạc song phương và thiết lập những điều kiện để có thể xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm 2021.

Những động thái cải tổ của CIA

Việc thành lập trung tâm sứ mệnh Trung Quốc nói trên chỉ là một trong số những cải tổ của CIA sau khi cơ quan này tiến hành một quá trình đánh giá tổng thể từ mùa Xuân 2020. Những thay đổi khác về mặt cơ cấu nói trên cũng bao gồm một trung tâm mới mang tên Trung tâm Sứ mệnh xuyên quốc gia và công nghệ cùng với việc bổ nhiệm một vị trí quan chức đứng đầu chịu trách nhiệm về công nghệ.

Một quan chức cấp cao của CIA tiết lộ rằng trung tâm sứ mệnh thứ hai này sẽ tập trung vào những vấn đề "có ý nghĩa cốt yếu đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ," bao gồm vấn đề y tế toàn cầu, an ninh kinh tế, biến đổi khí hậu và công nghệ.

Một quan chức giấu tên của CIA tiết lộ với Reuters rằng "đội mật vụ về sự cố" của CIA vẫn tiếp tục giám sát và theo dõi những hiện tượng bí ẩn được biết đến là "triệu chứng Havana" ảnh hưởng đến đội ngũ ngoại giao và nhân viên của CIA.

Nhà phân tích kỳ cựu của CIA Rodney Faraon đánh giá rằng hai trung tâm sứ mệnh nói trên sẽ phối hợp hoạt động trong các chiến dịch và quá trình phân tích thông tin, cùng với các trung tâm sứ mệnh khác như trung tâm chống khủng bố và phản gián.

Ông Rodney Faraon, từng là thành viên nhóm báo cáo với tổng thống thông tin tình báo hàng ngày, giải thích rằng việc các trung tâm này phối hợp với nhau ở mức độ trao đổi thông tin lớn hơn sẽ đem lại những kết quả tốt hơn về sản phẩm thông tin tình báo cuối cùng mà họ thu thập được. Ông đúc rút ngắn gọn kinh nghiệm: "Càng nhiều mũi tên ngắm bắn cùng một lúc sẽ càng có khả năng tóm gọn mục tiêu hơn."

Tuy nhiên, quan chức CIA giấu tên nói trên thừa nhận rằng thực chất hai trung tâm nói trên có sứ mệnh phần nào chồng chéo nhau bởi "lĩnh vực cạnh tranh chính với Trung Quốc là công nghệ."

Trong khi đó, hai lĩnh vực khác vốn trước kia được xếp vào những lĩnh vực có ưu tiên cao và hoạt động độc lập thì giờ đây được xếp vào thành một bộ phận của lĩnh vực rộng lớn hơn.

Đó là trung tâm sứ mệnh Iran và trung tâm sứ mệnh Triều Tiên. Hai trung tâm này sẽ được kết hợp lần lượt vào Trung tâm Sứ mệnh Cận Đông và trung tâm Đông Á và Thái Bình Dương. Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên được thành lập năm 2017 nhằm đối phó với những mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Quan chức CIA cho rằng sự sắp đặt nói trên thực sự phản ánh bản chất khu vực của những vấn đề nói trên theo nhiều cách khác nhau trong bối cảnh (mối đe dọa) từ Trung Quốc "đã thực sự mang tính toàn cầu."

Ông Faraon cũng khẳng định việc tích hợp vào những trung tâm lớn hơn không có nghĩa là những vấn đề về Iran và Triều Tiên không còn quan trọng nữa, mà việc tích hợp này nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn lực và công tác hoạt động.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc nâng tầm vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc và công nghệ thực sự là chỉ dấu cho thấy Washington đang ngày càng coi trọng hai lĩnh vực này. Điều này cũng giúp CIA hoạt động tương thích hơn với các cộng sự của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuyên bố hôm 7/10 vừa qua của ông Burns cũng tái khẳng định nhu cầu của CIA trong việc đa dạng hóa chức danh và vị trí lãnh đạo của mình theo sắc tộc. Đây cũng là nỗ lực mà ban lãnh đạo của chính quyền đương nhiệm Biden cũng như tiền nhiệm Donald Trump đều tiến hành.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã hoan nghênh các động thái cải tổ của CIA, cho rằng mô hình hoạt động này sẽ giúp CIA nâng cao năng lực công nghệ một cách nhanh chóng trong bối cảnh Trung Quốc là thách thức đáng gờm đối với Mỹ nói riêng và đối với tương lai của những giá trị dân chủ nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục