Thành phố Hồ Chí Minh: Gia tăng người già, trẻ nhỏ mắc bệnh vì nắng nóng kéo dài

Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhi đến khám về các mặt bệnh liên quan đến nắng nóng dao động từ 15.000-26.000/tháng, tương đương khoảng từ 600-900 lượt khám mỗi ngày.
Người cao tuổi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tại các bệnh viện, số lượng người cao tuổi, trẻ nhỏ đến khám bệnh cũng gia tăng, trong đó không ít trường hợp phải nhập viện điều trị.

Những ngày qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ có nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ em.

Tăng 20% số lượng bệnh nhân do nắng nóng

Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm 2024 đến nay Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 luôn có đông người nhà đưa con đi khám bệnh.

Sáng 3/4, vợ chồng chị Đỗ Thị Hậu đưa con trai từ tỉnh Bình Dương lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám bệnh. Bé Quốc Anh, con trai chị Hậu bị sốt, ho, sổ mũi 5 ngày nay, vợ chồng chị xin nghỉ việc để đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

“Ban đầu cháu bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi, chúng tôi đưa con đến phòng khám tư gần nhà nhưng cháu không hết bệnh, vì thế phải đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám cho yên tâm" - vợ chồng chị cho biết.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, con trai chị Hậu được chẩn đoán viêm tiểu phế quản và bác sĩ kê đơn thuốc, hẹn tái khám cũng như khuyến cáo chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cho trẻ.

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa Khám bệnh-Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua tại khu vực phía Nam là nguyên nhân khiến cho số lượng trẻ đến khám gia tăng.

Các nhóm bệnh thường gặp ở trẻ liên quan đến thời tiết nắng nóng bao gồm: bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột), bệnh về đường hô hấp (viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới), sốt phát ban, bệnh về da. Bên cạnh đó, các trường hợp trẻ còn bị say nắng, say nóng.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhi đến khám về các mặt bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng dao động từ 15.000-26.000/tháng, tương đương khoảng từ 600-900 lượt khám mỗi ngày.

Theo bác sỹ Hải, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, siêu vi, vi nấm phát triển. Vì thế, trẻ dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công gây ra các bệnh lý hô hấp.

Bên cạnh đó, nhiệt độ cao khiến cho thực phẩm dễ bị ôi thiu, trẻ cũng dễ mắc các bệnh lý về tiêu hóa; nguy cơ bị nổi rôm sảy, sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh bịt kín tránh nắng nóng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tương tự, tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, người cao tuổi đến khám bệnh cũng gia tăng do thời tiết nắng nóng.

Bác sỹ Chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất thông tin, số lượng người cao tuổi đến khám bệnh trong những ngày qua tăng lên khoảng 20% so với trước. Trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 2.500 lượt bệnh nhân.

“Thường những bệnh nhân lớn tuổi đến đây mang những bệnh lý về hô hấp, chẳng hạn siêu vi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản… một số bệnh nhân có những thay đổi biến động về huyết áp, bệnh lý mạch vành hoặc bệnh lý về thần kinh thì khả năng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn,” bác sỹ Anh Vũ chia sẻ.

Không nên chủ quan với bệnh mùa nắng nóng

Không chỉ gia tăng bệnh nhân ở khu vực khám bệnh, ở các khoa nội trú của Bệnh viện Thống Nhất cũng ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân nhập viện.

Khoa Nội Hô hấp chỉ có 50 giường bệnh nhưng thời gian qua luôn điều trị cho từ 50-60 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng buộc đơn vị này phải kê thêm giường bệnh.

Bác sỹ Ngô Thế Hoàng, Trưởng Khoa Nội Hô hấp, cho biết bệnh nhân nhập viện chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh hô hấp mạn tính liên quan đến nhiễm khuẩn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…

Theo các bác sỹ, người cao tuổi sức đề kháng yếu, nhiều bệnh nền nên khi thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho nguy cơ mắc bệnh cao hơn, thậm chí nhiều trường hợp trở nặng. Hiện có khoảng 8-10 bệnh nhân đang phải thở máy, cần theo dõi sát.

Bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa Khám bệnh-Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, trung bình tỷ lệ trẻ phải nhập viện chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng bệnh nhi đến khám bệnh, nhưng vào mùa nắng nóng tỷ lệ này có khi gia tăng lên từ 6-6,5%.

Theo bác sỹ Hải, do số lượng trẻ đến khám bệnh đông hơn nên số trẻ nhập viện cũng cao hơn, đồng thời nhiều phụ huynh chủ quan, tự mua thuốc uống tại nhà, đến khi đưa con đến khám thì đã bị trễ, trẻ đã có biến chứng nặng hơn nên bắt buộc phải nhập viện.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong mùa nắng nóng, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng đề kháng.

Tuân thủ việc ăn chín uống sôi, bảo quản thực phẩm kỹ càng, hạn chế sử dụng thức ăn vỉa hè, thực phẩm không rõ nguồn gốc tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Trước thực trạng nắng nóng kéo dài, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nắng nóng là người già, trẻ em, phụ nữ; những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng, người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép; những người mắc các bệnh mạn tính về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư...

Mùa nắng nóng, người dân cần bảo vệ sức khỏe bằng cách uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng, rèn luyện thân thể nâng cao đề kháng, hạn chế đi ra ngoài trong những ngày nắng nóng, nếu phải ra ngoài cần sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục