Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 đến nay còn khoảng 12%.
Nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích đã ra đời trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến tháng cuối tháng Chín, trên 16.850 ATM và trên 208.470 POS/EDC được lắp đặt (ATM tăng 47% và POS/EDC tăng 300% so với đầu năm 2011).
Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các công ty chuyển mạch thẻ đã hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc, qua đó thẻ của một ngân hàng đã có thể sử dụng để rút tiền và thanh toán tại hầu hết ATM của các ngân hàng khác.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, triển khai và thực hiện hoàn thành phương án sáp nhập Smartlink vào Banknetvn xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, tập trung chuyển mạch về một đầu mối, tạo thuận lợi và hiệu quả hơn trong việc kết nối, chuyển mạch thẻ tại Việt Nam.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là hệ thống thanh toán cốt lõi, quan trọng nhất của nền kinh tế. Giao dịch thanh toán được thực hiện nhanh, kịp thời, an toàn và chính xác, phục vụ tốt phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Hệ thống đã kết nối khoảng 360 đơn vị thành viên thuộc 96 tổ chức tín dụng trong toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời với số lượng giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế. Hệ thống hiện có số lượng giao dịch bình quân đạt trên 230.000 giao dịch/ngày, với tổng giá trị khoảng 220.000 tỷ đồng/ngày.
Để có được kết quả trên là do hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng lớn, đã có sự phát triển vượt bậc, nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ phục vụ cho hoạt động thanh toán.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), phát triển hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép các ngân hàng thương mại cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Bên cạnh các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong các năm qua, thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh, đến cuối tháng Chín, số lượng thẻ phát hành đã đạt 96,2 triệu thẻ (tăng trên 210% so với đầu năm 2011).
Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến, đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng./.