Thanh tra diện rộng về kiểm soát hoạt động sử dụng bức xạ hạt nhân

Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tổ chức thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ năm 2017.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trả lời câu hỏi tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra ngày 7/7, ông Trương Hồng Dương, Chánh thanh tra đơn vị này cho biết năm 2017 sẽ tập trung thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ.

Nhiều vi phạm

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến cuối năm 2016, trên toàn quốc có 1121 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng số 3.932 nguồn. Trong các năm 2015-2016, trung bình mỗi năm, cơ quan thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân thanh tra được 120 cơ sở. Như vậy, nếu thanh tra với tiến độ như hiện nay thì phải sau 10 năm, một cơ sở có nguồn phóng xạ mới phải thanh tra lại.

Vẫn trong 2 năm 2015 và 2016, chỉ tính riêng con số của thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho thấy, đã phát hiện được 22 cơ sở có vi phạm (trên tổng số 99 cơ sở được thanh tra, chiếm xấp xỉ 22,2%), xử phạt 352 triệu đồng. Như vậy, cứ 4 cơ sở được thanh tra thì có một cơ sở vi phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.

[Tăng cường quản lý nguồn thiết bị phóng xạ sau vụ thất lạc]

Các hành vi vi phạm được xác định gồm giấy phép tiến hành công việc bức xạ; vi phạm về kiểm xạ; vi phạm quy định về chuyển giao nguồn phóng xạ ra khỏi đơn vị; vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ; vi phạm các quy định về an ninh nguồn phóng xạ dẫn đến làm mất nguồn phóng xạ…

Cũng trong những năm qua, dư luận đã rất quan tâm tới việc mất một số nguồn phóng xạ. Có thể kể ra đây vụ mất nguồn Co-60 vào 2015 tại Nhà máy luyện phôi thép ở Bà Rịa-Vũng Tàu; nguồn Cs-137 vào năm 2016 tại Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn DATC...

Điều này cho thấy, một cuộc thanh tra diện rộng, chuyên đề nhắm vào việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ là cần thiết.

“Vẽ” bức tranh nguồn phóng xạ

Theo đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, việc thanh tra chuyên đề lần này sẽ thống kê thực trạng sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ có bức tranh tổng thể về tình hình đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ trong quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý về an toàn bức xạ hạt nhân đối với các đơn vị sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ.

Qua thanh tra, nhà quản lý cũng sẽ phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử trong quản lý nguồn phóng xạ đối với tổ chức, cá nhân sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ, bảo vệ sức khoẻ con người…

[Theo dõi “nhất cử, nhất động” 600 nguồn phóng xạ di động nguy hiểm]

Để triển khai công tác này, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay đơn vị này đã có văn bản gửi các địa phương trên để xây dựng đề cương, kế hoạch; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại một số địa phương (dự kiến vào cuối tháng 7, đầu tháng 8). Tại một số địa bàn trọng điểm, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ phối hợp với địa phương triển khai điểm một số cuộc thanh tra với đối tượng cụ thể.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổng hợp kết quả, tổ chức tổng kết, đánh giá. Dự kiến, việc tổng kết sẽ được tổ chức trong quý 4./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục