Thay đổi thói quen của người dùng để thúc đẩy thanh toán điện tử

Để thúc đẩy thanh toán điện tử thì điều quan trọng là thay đổi thói quen của người dùng và muốn làm như vậy thì phải tạo sự thuận lợi tối đa cho khách hàng.
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn. (Nguồn: Banknetvn)

"Các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên, để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn."

Đó là quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) do Công ty Cổ phần chuyển mạch tài chính Quốc gia thuộc Ngân hàng Nhà nước (Banknetvn) và Báo điện tử VnExpress tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Để doanh nghiệp hào hứng tham gia

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng máy POS (Point of Sale) lắp đặt đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 250.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều. Giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, việc nộp thuế điện tử còn chưa đạt được kết quả như mong đợi có nhiều nguyên nhân. Ở góc độ chủ quan ngành thuế có một số hoạt động cần điều chỉnh, ví dụ việc sử dụng chữ ký số, ở đâu đó còn nhiều thủ tục.

Về phía khách quan từ doanh nghiệp, theo ông Trí, có nhiều đơn vị hạ tầng tốt, nhưng vẫn còn không ít công ty chưa đáp ứng được điều này. Do đó, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia vào công cuộc thanh toán điện tử.

Điều quan trọng nhất để đẩy mạnh thu nộp thuế điện tử theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là các cơ quan phải tạo niềm tin cho doạnh nghiệp và người dân. Niềm tin này được xây dựng từ phần cứng và phần mềm. Trong đó, phầm mềm phải được đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thiết kế tối ưu và phải hướng đến chuẩn quốc tế.

Về phần cứng, Nhà nước cần phải đầu tư, huy động các doanh nghiệp công nghệ thông tin cùng chung tay vào công cuộc xây dựng hệ thống thu thuế điện tử. Phải đảm bảo hệ thống thông suốt, không tắc nghẽn vào hạn chót nộp thuế khiến doanh nghiệp bị phạt.

Phó Thống đốc Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực tham gia quá trình thu thuế điện tử. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại thực tế là số doanh nghiệp đăng ký thuế điện tử nhiều nhưng thực nộp còn khiêm tốn.

Có nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Thắng thì một trong số đó là do việc nộp thuế điện tử liên quan đến công nghệ thông tin của nhiều phía nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành.

Ông Thắng cho rằng, để doanh nghiệp, người dân chấp nhận phương thức mới này cần phải có một vài ưu đãi. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đạt được một khoản thu qua thanh toán điện tử sẽ miễn giảm các nghĩa vụ khác. Phí thẻ sẽ được xây dựng hợp lý để vừa minh bạch hóa, vừa cổ vũ doanh nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng dường như thanh toán điện tử nói chung và hình thức POS nói riêng đang bỏ quên phần rất lớn trên thị trường khi mới chỉ tập trung ở các điểm mua sắm hiện đại, ở thành phố lớn. Trong khi đó bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường nhưng rất nhiều nơi chưa có thanh toán điện tử.

Do đó, bà Loan đề xuất cần xây dựng các giải pháp kết nối và hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng. "Làm sao để tuyên truyền, động viên để thanh toán điện tử đi vào từng phân khúc bán lẻ, trong đó không chỉ mở rộng độ phủ ở thành thị mà còn cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa," bà Loan nói.

Phòng kế toán Công ty Viễn thông Hà Tĩnh đã sử dụng dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử trong thực hiện nghĩa vụ thuế. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Cần thay đối thói quen người dùng

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%.”

Cũng theo Phó Thủ tướng, khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó tốt diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, để thúc đẩy thanh toán điện tử thì điều quan trọng là thay đổi thói quen của người dùng và muốn làm như vậy thì phải tạo sự thuận lợi tối đa cho họ.

Khi người dân đi mua sắm, khám bệnh, đi mua vé tàu... đều phải có phương tiện thanh toán. Chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành để đưa thanh toán vào gần gũi nhất với đời sống của người tiêu dùng. Và hiện nay, chiến lược của chúng tôi không chỉ dừng ở Internet banking nữa mà phải đưa Mobile trở thành phương tiện thanh toán tiện lợi nhất cho khách hàng," ông Lân cho hay.

Nhóm công tác diễn đàn cũng đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách và phối kết hợp của các bộ ngành nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Trong đó, đối với Bộ Tài chính, nhóm kiến nghị cơ quan này ban hành chính sách khuyến khích và có lộ trình từ 2016 tiến tới yêu cầu thanh toán điện tử với các khoản thuế từ 1/1/2018; Bộ Tài chính cũng nên nghiên cứu và đề xuất chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hàng hoá và dịch vụ mua sắm trực tuyến được thanh toán điện tử, cho giai đoạn 3 năm từ 2017-2019; Bộ nghiên cứu và đề xuất chính sách ưu đãi thuế đối với phần doanh thu ghi nhận từ thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ trong giai đoạn 3 năm từ 2017-2019.

Liên quan đến Bộ Công Thương nghiên cứu đưa ra quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ theo hướng sẵn sàng lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và ký hợp đồng thanh toán thẻ với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng mua sắm, chi tiêu bằng thẻ thanh toán.

Cuối cùng, nhóm kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành các quy định, tiêu chuẩn thống nhất về thanh toán điện tử và tiền điện tử áp dụng chung cho các lĩnh vực kinh tế, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thanh toán điện tử của người dân và doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục