Dẫn đầu về khối lượng phát hành, đã có tới 10.854 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng được đưa ra thị trường trong tháng 8/2021, chiếm tới gần 42% tổng giá trị phát hành theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA).
Đáng chú ý, trong số này, nhiều ngân hàng thương mại ráo riết phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2 (vốn bổ sung) với lãi suất thả nổi.
Cụ thể, đã có 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của các Ngân hàng thương mại cổ phần: Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công Thương Việt Nam (VietinBank), Quốc tế (VIB), Quân đội (MB) và Bản Việt (Viet Capital Bank). Lãi suất phát hành các trái phiếu này chủ yếu là lãi suất thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm 4 ngân hàng lớn, dao động từ 6,1-7,6%/năm.
Trong khi đó, các ngân hàng có khối lượng phát hành lớn bao gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 2.630 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) với 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) với 1.400 tỷ đồng. Đây là các trái phiều kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5-4,2%/năm.
Không khó để nhận ra các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Dù có mức lãi suất thấp hơn đáng kể so với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác (ví dụ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thường có lãi suất cao tới 12-13%/năm) nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn "đắt khách."
Lý giải về thực tế này, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết đa phần trái phiếu phát hành với kỳ hạn 2-4 năm có thể là tín hiệu của việc thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn tạm thời tại các ngân hàng.
Việc giãn, hoãn nợ thời gian qua theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, gây nên thiếu hụt vốn. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng mạnh phát hành trái phiếu để bù đắp.
"Mặt khác, phát hành trái phiếu còn đáp ứng nhu cầu tăng vốn bổ sung của các ngân hàng nhằm gia cố tỷ lệ an toàn vốn khi tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu," ông Hiếu nhận định.
Tuy vậy, thông tin phát hành từ các ngân hàng cho thấy hầu hết lượng trái phiếu được bán chéo cho ngân hàng hoặc công ty chứng khoán.
Mới đây nhất, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm trong ngày 10/9 vừa qua. Mục đích phát hành trái phiếu lần này của PG Bank là tăng quy mô vốn hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn. Đáng chú ý, nhà đầu tư mua trọn lô trái phiếu này được tiết lộ là một ngân hàng trong nước.
[Chuyên nghiệp, tỉnh táo khi 'lọc' trái phiếu doanh nghiệp bất động sản]
Hồi giữa tháng 8/2021, BIDV cũng phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 8 năm với lãi suất bằng lãi suất thả nổi cộng với 0,9%/năm. Toàn bộ số trái phiếu này được bán cho một tổ chức tín dụng trong nước.
Hay tại VIB, 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm đã phát hành thành công hồi giữa tháng 8. Trước đó ít ngày, VIB cũng đã phát hành riêng lẻ 150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm để tăng vốn cấp 2. Toàn bộ trái phiếu của VIB được phát hành cho một công ty chứng khoán và một quỹ đầu tư chứng khoán.
Trước đó, thống kê của Công ty Chứng khoán SSI trong nửa đầu năm 2021 cho thấy có tới 82% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành được bán cho tổ chức tín dụng khác và công ty chứng khoán; trong đó nhiều công ty chứng khoán có liên quan đến các ngân hàng khác.
Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu ngân hàng "hút khách" cũng không quá khó hiểu bởi đây vẫn là nhóm trái phiếu được đánh giá có độ an toàn cao nhất trên thị trường bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tích cực mua bán chéo trái phiếu có thể xuất phát từ việc một số ngân hàng có hiện tượng thừa vốn do tình hình cho vay cũng không dễ dàng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên tìm đến các kênh đầu tư khác; trong đó có trái phiếu.
Giới chuyên gia dự báo nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 vẫn còn cao, nhất là trái phiếu tăng vốn đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung, dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn.
Về lãi suất trái phiếu ngân hàng, các chuyên gia dự báo xu hướng tăng nhẹ vào những tháng cuối năm. Theo chu kỳ hoạt động thông thường, đây là thời điểm các ngân hàng sẽ cạnh tranh lãi suất huy động, đảm bảo nguồn vốn phục vụ nhu cầu của nền kinh tế./.