Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 5/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 444.029.251 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.009.837 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 376.679.833 người, trong khi vẫn còn 72.009 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.895.651 ca mắc và 983.486 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với 42.957.128 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 651.343 ca.
Trong 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất, 7 quốc gia còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp (22.958.320 ca), Anh (19.119.181 ca), Nga (16.775.024 ca), tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 15.579.480 ca và 14.293.828 ca, Italy ghi nhận 12.948.859 ca và Tây Ban Nha có 11.100.428 ca.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 159 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 119,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,2 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 54,6 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,55 triệu ca và châu Đại Dương trên 3,75 triệu ca nhiễm.
Đức đang thực hiện “bước thứ hai” trong lộ trình 3 bước nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19, theo đó mở cửa trở lại các dịch vụ nhà hàng, quán bar, càphê và khách sạn cho cả những người chưa tiêm chủng.
Kể từ ngày 4/3, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể đến nhà hàng hoặc những địa điểm, không gian công cộng, nhưng sẽ thực hiện quy tắc 3G (có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2).
Các hộp đêm và vũ trường cũng được phép mở cửa trở lại với quy tắc 2G+ (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi và xét nghiệm âm tính).
Các quy định về số lượng người tập trung cùng lúc tại một địa điểm cũng được nới lỏng kể từ ngày 4/3. Theo đó, giới chức y tế sẽ cho phép các địa điểm không gian công cộng trong nhà có thể chứa 60% công suất (với mức tối đa 6.000 người).
Trong khi các hoạt động công cộng ngoài trời có thể lên đến 75% công suất (với tối đa 25.000 người). Điều này chủ yếu sẽ áp dụng cho các trận đấu bóng đá và các buổi hòa nhạc. Riêng tại Berlin, ngay cả những người đã tiêm mũi tăng cường cũng phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Theo số liệu thống kê mới nhất, Đức ghi nhận 217.593 ca mắc COVID-19 và 291 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tỷ lệ mắc trong 7 ngày là 1.196,4 ca nhiễm/100.000 người.
Dự kiến, vào ngày 20/3, hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 tại Đức sẽ được gỡ bỏ và chỉ duy trì một số biện pháp bảo vệ cơ bản.
Trong khi đó, Bỉ cũng đã quyết định dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế khi kết thúc kỳ nghỉ Xuân. Phong vũ biểu về COVID-19 của nước này cũng sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu vàng.
[Tiêm vaccine không đồng đều có thể đe dọa nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh]
Theo Thủ tướng Alexander De Croo, kể từ ngày 7/3, thực khách đến các quán ăn hoặc những người đến xem biểu diễn nghệ thuật sẽ không phải mang theo Giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 (CST).
CODECO dự kiến sẽ đánh giá tiếp về việc bỏ giấy chứng nhận này trong các lĩnh vực khác và việc sử dụng lại chỉ có thể được thực hiện trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bỉ cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông và các cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão.
Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội 1,5m. Với việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, quy định về làm việc từ xa cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, từ ngày 11/3, khách du lịch sẽ không phải khai “biểu mẫu địa điểm hành khách” và không phải làm xét nghiệm, cách ly nếu đã có giấy chứng nhận tiêm chủng, phục hồi hoặc xét nghiệm âm tính.
Cũng từ ngày này, các cấp chính quyền ở Bỉ được tự do áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp, tùy theo tình hình riêng.
Theo kết quả một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố, phần lớn trẻ em ở nước này đã mắc COVID-19.
Nghiên cứu trên được thực hiện với các mẫu máu, cho thấy hơn 140 triệu người Mỹ đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và có được kháng thể từ việc mắc bệnh.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều đối với trẻ em và thanh niên. Theo báo cáo của CDC Mỹ, ước tính 58% trẻ em dưới 11 tuổi tại nước này đã có kháng thể tự nhiên sau khi mắc bệnh. Trẻ em từ 12-17 tuổi cũng có mức tỷ lệ tương tự./.