Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 9/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 134.502.688 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.914.220 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 108.300.143 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 573.856 ca tử vong trong tổng số 31.717.404 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 345.287 ca tử vong trong số 13.286.324 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 167.694 ca tử vong trong số 13.057.954 bệnh nhân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 45,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 983.800 ca tử vong.
Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 811.300 ca tử vong trong hơn 25,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 582.200 ca tử vong trong hơn 31,9 triệu ca nhiễm.
Châu Á ghi nhận hơn 280.000 ca tử vong trong hơn 18,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 117.000 ca tử vong, châu Phi có hơn 114.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 1.005 người.
Các bác sĩ ở Ontario (tỉnh đông dân nhất Canada) được khuyến nghị sử dụng hạn chế thuốc chống viêm tocilizumab - một trong hai loại thuốc được biết đến ở thời điểm này giúp giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng.
Đây được xem là dấu hiệu cảnh báo rằng các tỉnh khác của Canada cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự, nếu làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và quốc gia Bắc Mỹ này không có thêm nguồn cung thuốc thiết yếu điều trị COVID-19.
Theo thống kê của Global News, tổng số ca mắc COVID-19 tại Canada hiện đã lên tới hơn 1.033.000 người, trong đó hơn 23.200 người đã tử vong.
Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez ngày 8/4 cho biết quốc gia Nam Mỹ này sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 mang tên "Abdala" - 1 trong 5 ứng cử viên vaccine do Cuba nghiên cứu và phát triển - tại một cơ sở ở thủ đô Caracas theo thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ hai nước.
[Italy ưu tiên tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho người cao tuổi]
Phó Tổng thống Rodriguez cũng khẳng định cam kết của Caracas về việc đảm bảo mọi người dân Venezuela đều được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nicolas Maduro cũng quyết định đưa vaccine Abdala vào danh sách tiêm chủng ngừa COVID-19 kể từ tháng 7 tới.
Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này đến nay đã ghi nhận tổng cộng 170.189 ca COVID-19, trong đó có 1.705 trường hợp tử vong và 154.023 người đã khỏi bệnh.
Chính phủ Argentina đã tổ chức lễ tiếp nhận thiết bị hỗ trợ y tế trị giá 3,5 triệu USD từ Chính phủ Mỹ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn trong những tuần vừa qua tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Buenos Aires, các khoản hỗ trợ từ Washington cho Argentina gồm 3 bệnh viện dã chiến, máy tạo oxy, thiết bị tìm kiếm và cứu hộ, và các khóa đào tạo về vận hành bệnh viện dã chiến trong các tình huống thiên tai.
Các số liệu y tế cho thấy trong tuần vừa qua, số ca nhiễm mới tại Argentina đã tăng 36% trên cả nước và 53% trong khu vực thủ đô Buenos Aires cùng vùng phụ cận khi quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai của COVID-19.
Số ca mắc COVID-19 mới tại Argentina có dấu hiệu gia tăng với mức trung bình trên 10.000 ca/ngày và thậm chí có những ngày lên tới hơn 20.000 ca/ngày sau một thời gian tạm lắng. Đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 2,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 57.000 ca tử vong.
Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Quốc gia Brazil (CNC) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 35.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại nước này phải đóng cửa trong năm ngoái. Con số này tương đương với 13,9% tổng số cơ sở du lịch hoạt động trong năm 2019 tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.
Theo CNC, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu thiệt hại lớn nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19, với 30.720 cơ sở kinh doanh du lịch thuộc loại này ngừng hoạt động trong năm 2020, tương ứng với 87% tổng số.
Các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sao Paulo, Minas Gerais, Rio de Janeiro và Paraná. Liên đoàn CNC ước tính từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, ngành du lịch Brazil thiệt hại khoảng 274 tỷ real (khoảng 48,9 tỷ USD).
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ cho phép chính quyền thủ đô Tokyo, tỉnh Kyoto và tỉnh Okinawa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh ở những khu vực này, khiến cho tỷ lệ sử dụng giường dành cho các bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh.
Các biện pháp phòng dịch trọng điểm có thể sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/4 ở tất cả 23 quận và 6 thành phố thuộc thủ đô Tokyo, 9 thành phố thuộc tỉnh Okinawa và thành phố Kyoto thuộc tỉnh Kyoto, và dự kiến sẽ được dỡ bỏ ở các tỉnh Kyoto và Okinawa vào ngày 5/5, và ở thủ đô Tokyo vào ngày 11/5.
Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed ngày 8/4 đã kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 trước thời điểm sắp diễn ra tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Theo bà Zayed, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở Ai Cập ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong thấp hơn so với giai đoạn đầu tiên, mặc dù các ca nhiễm bệnh đang có dấu hiệu tăng dần những ngày gần đây. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế Ai Cập đã tăng số lượng giường chăm sóc đặc biệt, máy thở và các trang thiết bị y tế cần thiết nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập cho biết quốc gia này đã đạt thỏa thuận với Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại thị trường nội địa và có thể sản xuất tới 80 triệu liều/năm.
Thỏa thuận này có thể giúp thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng ở Ai Cập, quốc gia có dân số 100 triệu người và cho đến nay mới chỉ nhận được khoảng 1,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Theo số liệu thống kê mới nhất, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng hơn 207.000 ca mắc COVID, trong đó có hơn 12.200 ca tử vong./.