Thế khó của Australia khi Mỹ tạm dừng chương trình Triton

Rủi ro trong chương trình UAV Triton khiến Canberra phải chấp nhận “sự mơ hồ” của Mỹ, mặc dù Australia luôn được khẳng định là đồng minh thân cận của Mỹ và sẽ được ưu tiên trong chương trình hợp tác.
Máy bay không người lái MQ-4C Triton. (Nguồn: defensenews.com)

Theo bài viết của tác giả Marcus Hellyer đăng trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), dòng máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton của Australia đang trở thành vấn đề gây tranh cãi tại nước này.

Sách trắng Quốc phòng Australia 2016 đã liệt kê dòng máy bay không người lái Triton sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu để bổ sung cho sức mạnh của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) trong tương lai.

Cụ thể, nội dung được Sách trắng Quốc phòng 2016 đề cập để bổ sung cho khả năng giám sát của máy bay tuần tra Poseidon [P-8A] trong việc kiểm soát các khu vực ngoài khơi Australia và đối phó với các vấn đề chiến lược, Chính phủ Australia sẽ mua 7 chiếc UAV MQ-4C Triton trong khoảng thời gian đầu những năm 2020.

UAV MQ-4C Triton là máy bay trinh sát không trang bị vũ khí, có khả năng hoạt động trong phạm vi rộng, điều khiển từ xa cung cấp khả năng tuần tra hàng hải bền bỉ và thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát khác.

Dòng UAV Triton mặc dù có giá rất cao nhưng lại có nhiều lợi thế trong các hoạt động trinh sát biển. Hiện tại, không có dòng máy bay nào có thể thay thế cho Triton trên thị trường.

UAV Triton có thể phối hợp hoạt động tốt với các máy bay tuần tra P-8A. Khoản chi phí dự tính dành cho thương vụ này là khoảng 3-4 tỷ USD.

Hồi tháng 6/2018, Chính phủ Australia thông báo sẽ dùng khoản tiền 1,4 tỷ USD để đầu tư mua một UAV Triton đầu tiên trong tổng số 6 chiếc UAV (không đề cập đến chiếc thứ 7 theo như Sách trắng).

Khoản tiền này, ngoài tiền mua UAV, còn bao gồm 364 triệu USD về cơ sở hạ tầng cũng như các hệ thống kiểm soát cần thiết dưới mặt đất, chương trình hỗ trợ và huấn luyện để vận hành hệ thống một cách hiệu quả.

Tuy vậy, đây không phải là một thương vụ đơn giản. Chính phủ Australia cũng cho biết, như một phần của khoản đầu tư này, Australia sẽ tham gia chương trình hợp tác trị giá 200 triệu USD với Hải quân Mỹ để phát triển, sản xuất và duy trì MQ-4C Triton.

Sự hợp tác này đi kèm với sự nhấn mạnh về việc “Liên minh Australia-Mỹ là mối quan hệ quốc phòng quan trọng nhất, được củng cố bởi sự hợp tác mạnh mẽ trong ngành công nghiệp quốc phòng và phát triển năng lực” đồng thời khẳng định rằng chương trình hợp tác sẽ tăng cường khả năng của hai nước để phát triển khả năng tiên tiến và tiến hành các hoạt động quân sự chung.

Vào tháng 3/2019, Chính phủ Australia tuyên bố đã mua chiếc UAV thứ hai với chi phí khoảng 350 triệu USD. Sau đó, các vấn đề phát sinh khi Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẽ dừng sản xuất chương trình Triton trong hai năm tài chính 2021 và 2022 vì Chính phủ Mỹ cần dành tiền để phục vụ kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với Mexico và mục tiêu chế tạo một đội tàu với 355 tàu.

Chiếc UAV Triton được mua đầu tiên nhiều khả năng sẽ giao đúng hạn, tuy nhiên xét về tổng thể, mục tiêu về khả năng khởi động chương trình của Triton cho ADF vào năm 2023-2024 và hoàn tất vào năm 2025 vẫn có thể đạt được mặc dù sẽ bị ảnh hưởng bởi hai năm chậm trễ của phía Mỹ.

Trong bối cảnh phía Đức đã rút khỏi chương trình phát triển dòng UAV Triton từ đầu 2020, chi phí phát triển tăng 61% nên việc tạm dừng sản xuất hai năm cộng với chi phí khởi động lại sản xuất khiến giá cả của những chiếc UAV này nhiều khả năng sẽ gia tăng.

Ngoài ra, không có gì đảm bảo việc sản xuất của Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu trở lại, đặc biệt nếu việc đóng tàu cho đội tàu mới tiếp tục “cần thêm tiền.” Nếu điều này xảy ra, 6 chiếc UAV theo kế hoạch của Australia sẽ chỉ còn 1 chiếc với một hệ thống cơ sở hạ tầng đắt đỏ để phục vụ cho một đội bay.

Một giải pháp đã được đề cập là việc Australia có thể mua lại những chiếc UAV cũ đã qua sử dụng để đảm bảo số lượng. Nhưng việc này có thể khiến tình hình xấu hơn do rủi ro từ những chiếc máy bay cũ.

Trong tình huống nghiêm trọng hơn nữa, nếu Hải quân Mỹ quyết định dừng hẳn chương trình chế tạo UAV Triton để tập trung cho đội tàu của mình sẽ khiến Australia bị động với chương trình đầu tư đã được khởi động cho thương vụ này.

Do đó, đã có một số ý kiến cho rằng Chính phủ Australia nên dừng khoản đầu tư này trước khi quá muộn, mặc dù nước này đã phải chi ra hàng trăm triệu USD.

Một thông báo mới đây của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ đã đồng ý bán 200 tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C cho Australia với giá 990 triệu USD.

Việc ADF mua thêm tên lửa chống hạm tầm xa là thông tin tốt, có thể giúp Australia tăng cường khả năng tác chiến trên biển nhưng chưa thể giải quyết vấn đề an ninh ở phạm vi trên 500km khi còn thiếu các phương tiện có thể hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát tầm xa.

Dự án Triton nhằm khắc phục điều này và nếu mọi việc trở nên khó khăn, khả năng bảo vệ biên giới từ xa của Australia sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Rủi ro trong chương trình UAV Triton đang khiến Canberra phải chấp nhận “sự mơ hồ” của Mỹ, mặc dù Australia luôn được khẳng định là đồng minh thân cận của Mỹ và sẽ được ưu tiên trong các chương trình hợp tác.

Nếu Mỹ cung cấp cho Australia một lựa chọn để khắc phục hạn chế về tình báo, giám sát và trinh sát tầm xa, Australia mới có thể có sự tin tưởng các chương trình hợp tác với Mỹ là trung tâm của các ưu tiên của Mỹ trong hợp tác với Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục