Thêm một quan chức Mỹ phản đối phân biệt chủng tộc từ chức

Đặc phái viên khoa học của Mỹ Daniel Kammen trở thành quan chức mới nhất nộp đơn xin từ chức liên quan tới các hành động phản đối chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Charlottesville.
Đặc phái viên khoa học của Chính phủ Mỹ Daniel Kammen. (Nguồn: erg.berkeley.edu)

Đặc phái viên khoa học của Chính phủ Mỹ Daniel Kammen đã trở thành quan chức mới nhất nộp đơn xin từ chức liên quan tới các hành động phản đối chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.

Trong thông báo từ nhiệm ngày 23/8, ông Kammen, một giáo sư tại Đại học California - Berkeley, cho biết đã đưa ra quyết định trên sau khi Tổng thống Donald Trump đã không lên án những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, các nhóm cực đoan và ủng hộ phát xít mới, coi đây là một phần "của hành vi cổ súy sự phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc, gây tổn hại tới chất lượng sống tại Mỹ, đe dọa vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.

Ngoài ra, vị giáo sư này cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump khi rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Ông Kammen làm việc trong Chính phủ Mỹ từ năm 1996 và đảm nhiệm vai trò đặc phái viên khoa học của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2016. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận gì liên quan đến vấn đề trên.

[Giới chuyên gia Mỹ lo ngại về nhiều quyết sách của Tổng thống Trump]

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Julia Mason cho biết việc từ chức là quyết định của cá nhân ông Kammen và chính phủ đánh giá cao những đóng góp của ông trong lĩnh vực ngoại giao khoa học - lĩnh vực thông qua các kênh hợp tác khoa học giữa các nước để giải quyết những vấn đề chung và xây dựng các đối tác quốc tế.

Trước đó một tuần, Chủ tịch tổ chức công đoàn AFL-CIO lớn hàng đầu ở Mỹ Richard Trumka cũng đã thông báo quyết định rút khỏi vị trí trong Hội đồng Tạo việc làm của Tổng thống Trump với lý do những phản ứng của ông Trump đối với cuộc biểu tình chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Charlottesville cho thấy ông dung túng cho "sự cố chấp và nạn khủng bố trong nước."

Hôm 12/8 vừa qua, bạo lực đã nổ ra tại thành phố Charlottesville trong cuộc biểu tình chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Nhóm biểu tình đã đụng độ với những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhóm KKK hay các nhóm cực đoan và ủng hộ phátxít mới. Kết quả là đã có ba người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Phản ứng về vụ bạo lực trên, Tổng thống Trump - khác với phong cách quyết liệt thường ngày, đã đưa ra một bài phát biểu chung chung vào ngày 12/8 vừa qua, cho rằng “nhiều bên phải chịu trách nhiệm cho làn sóng bạo lực.”

Ông Trump thậm chí còn giữ im lặng khi báo chí hỏi rằng liệu ông có từ chối hay không sự hỗ trợ từ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc.

Nhà Trắng sau đó đã lên tiếng bảo vệ ông Trump, cho rằng phát biểu của tổng thống rõ ràng “đã lên án những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhóm KKK hay các nhóm ủng hộ phát xít và cực đoan.”

Phản ứng của Tổng thống Trump trước vụ việc ở Charlottesville không những vấp phải sự chỉ trích của chính giới mà còn của công chúng Mỹ.

Trong cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac tiến hành và công bố ngày 23/8, đa số người Mỹ đều không hài lòng về phản ứng của nhà lãnh đạo này đối với các cuộc biểu tình phả đối tệ phân biệt chủng tộc và tình trạng bạo lực ở Charlottesville.

Cụ thể, có tới 60% người được hỏi cho biết không đồng tình với phản ứng của ông Trump đối với vụ việc ở Charlottesville, cũng như cách thức ông chủ Nhà Trắng xử lý vấn đề chủng tộc.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm cũng tuột dốc khi chỉ có 35% số người được khỏi khẳng định ủng hộ ông, trong khi có tới 59% người không hài lòng với cách điều hành đất nước của ông.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, khoảng 1.000 người dân Canada đã tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ottawa nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc nổi lên trong cuộc biểu tình ở Charlottesville của Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời những người tổ chức cho biết cuộc biểu tình được tổ chức nhằm gửi đi thông điệp hòa bình và hòa hợp tới tất cả các cộng đồng dân cư không chỉ là người da trắng, đồng thời thể hiện quyết tâm chống nạn phân biệt đối xử giữa các cộng đồng trên khắp Canada và thế giới.

Từ đầu tháng Tám đến nay, không chỉ ở Mỹ mà tại Canada cũng đã xảy ra một số cuộc biểu tình và đụng độ giữa hai nhóm người theo tư tưởng phân biệt và chống phân biệt chủng tộc.

Mới đây nhất, hôm 20/8 vừa qua, một cuộc đụng độ giữa nhóm cực hữu La Meute với nhóm chống phân biệt chủng tộc đã xảy ra tại thành phố Quebec thuộc tỉnh cùng tên của Canada, khi các thành viên của nhóm phản đối phân biệt chủng tộc tấn công lực lượng cảnh sát và các thành viên nhóm La Meute./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục