Theo dòng thời sự: Đông Nam Á đương đầu với hiểm họa khủng bố

Việc IS đổi chiến lược "vươn vòi bạch tuộc" sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp kiểm soát ở Iraq-Syria đang đe dọa hòa bình và ổn định, đẩy ASEAN trước nhiều thách thức lớn về an ninh.
Binh sỹ Philippines trưng bày số vũ khí thu giữ trong chiến dịch chống phiến quân ở Marawi ngày 7/6 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Việc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thay đổi chiến lược "vươn vòi bạch tuộc" sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria đang đe dọa hòa bình và ổn định của toàn khu vực, đẩy Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng trước nhiều thách thức to lớn về an ninh.

Hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 vụ nổ lớn được cho là đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta của Indonesia và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute cắm cờ đen IS lên thành phố Marawi, đảo Mindanao miền Nam Philippines, cho thấy lực lượng này không còn đứng ngoài "gõ cửa" mà đã đặt được chân rết của mình vào khu vực Đông Nam Á.

IS thực sự đã "tuyên chiến" với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh nhóm khủng bố này đang suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới thay thế.

Không phải ngẫu nhiên IS lại chọn "Đông tiến" sang khu vực Đông Nam Á, nơi có dân số trên 600 triệu người; trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, đặc biệt Indonesia là quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới.

[IS có cơ sở ngầm tại hầu hết các tỉnh, thành của Indonesia]

Đông Nam Á cũng là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và ly khai hoạt động mạnh tại những vùng xa xôi, hẻo lánh hay những hòn đảo biệt lập, nơi chính quyền khó quản lý.

Lợi dụng một biên giới mở nhờ sự gắn kết trong ASEAN, IS đã mở rộng địa bàn hoạt động tại đây, thiết lập quan hệ với hơn 60 tổ chức cực đoan địa phương, truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường cực đoan.

Phải nói IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, từ việc bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực như Jemaah Islamiyah (Indonesia), Abu Sayyaf (Philippines) đến việc tạo ra một "Lữ đoàn di dân," trong đó người nào theo chủ nghĩa cực đoan sẽ được cấp 500 ringgit Malaysia (tương đương 117,19 USD) để đến Philippines tham gia hàng ngũ của Maute.

Bên cạnh đó là một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn hòng gieo rắc tư tưởng cực đoan bằng những hình thức khác nhau, cũng như ý tưởng thành lập cái gọi là "quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á," hòng lôi kéo ngày càng nhiều công dân các nước Đông Nam Á gia nhập IS, thậm chí cầm súng cho IS tại Syria và Iraq.

Các số liệu thống kê cho thấy hơn 1.000 phần tử cực đoan từ các nước Đông Nam Á đã tham chiến trong hàng ngũ IS tại khu vực Trung Đông.

Dù tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố không phải là điều mới mẻ đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và dọc biên giới Philippines, Indonesia và Malaysia nói riêng, song cuộc tấn công tại Philippines vừa qua không khỏi khiến dư luận bàng hoàng, không chỉ vì quy mô chưa từng thấy của nó mà còn vì mức độ phối hợp xuyên quốc gia giữa các đối tượng khủng bố.

Vụ tấn công này thậm chí đã vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc nổi loạn trong nước, biến thành một cuộc xâm lược của các phần tử khủng bố nước ngoài theo lời kêu gọi của IS đến Philippines.

Việc đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân đội Philippines đã cho thấy các tổ chức khủng bố khu vực đang lớn mạnh và được huấn luyện chuyên nghiệp.

Rõ ràng khi IS bị suy yếu trên chiến trường chính ở Trung Đông, các tay súng Đông Nam Á trở về mang theo những kỹ năng chiến đấu và khả năng tổ chức nhằm kích động lại các điểm nóng trên chính quê hương mình.

Điều đáng lo ngại là một khi các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Malaysia và Indonesia gia tăng liên kết, khả năng hình thành một mô hình như "Mặt trận Hồi giáo thống nhất" hoàn toàn có thể xảy ra, khi đó, Đông Nam Á sẽ trở thành mặt trận thứ hai của IS trên thế giới và tình trạng bất ổn an ninh là điều khó tránh khỏi.

Nếu viễn cảnh này xảy ra, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu quy mô lớn tại Đông Nam Á do IS thực hiện hoặc chỉ đạo các nhóm cực đoan thực hiện như ở Pháp, Bỉ, hay Anh, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và địa điểm.

Hiểm họa khủng bố đe dọa Đông Nam Á có thể đến từ các nhóm cực đoan địa phương, các tay súng IS là người Đông Nam Á từng tham chiến ở Iraq hay Syria nay hồi hương và tiếp tục hoạt động "thánh chiến," thậm chí là những "con sói đơn độc."

Nguy cơ một tổ chức khủng bố quốc tế hiện hữu ngay trong lòng Đông Nam Á với các cuộc tấn công quy mô lớn, sử dụng ngay chính người bản địa, đe dọa trực tiếp Cộng đồng ASEAN còn non trẻ đã đặt ra một thử thách lớn với ASEAN, nhất là khi tổ chức này sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập vào tháng Tám tới.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ASEAN trong những năm qua khi vừa đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đạt được những tiến bộ đáng kể trong đàm phán các hiệp định chống khủng bố trong khu vực.

Năm 2001, ASEAN đã ban hành Tuyên bố về hoạt động chung để chống khủng bố. Không chỉ vậy, các quốc gia ASEAN còn tiến hành nhiều hội nghị cấp cao liên quan nhằm xây dựng các chương trình chống khủng bố trong khu vực, cũng như đưa ra được Hiệp ước về hỗ trợ pháp lý tương trợ trong các vấn đề hình sự (Hiệp ước MLA) và Công ước ASEAN về Chống khủng bố (ACCT), tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác chống tội phạm và khủng bố xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống khủng bố ở Đông Nam Á vẫn chủ yếu là đơn phương hoặc song phương, hoạt động của các quốc gia thành viên ASEAN vẫn mang tính độc lập, ít có sự phối hợp đồng bộ.

Cho đến nay, việc thành lập các cơ quan ASEAN liên quan đến chống khủng bố vẫn chỉ đang trong giai đoạn "thảo luận" và những nỗ lực chủ yếu của hợp tác chống khủng bố của ASEAN chủ yếu là "xây dựng niềm tin."

Những khác biệt về chính sách, an ninh biên giới lỏng lẻo và thiếu một thỏa thuận chung trên toàn khối đã tạo ra "lỗ hổng lớn" trong hoạt động phối hợp chống IS trong ASEAN.

Trên thực tế, trở ngại chính đối với nỗ lực chống khủng bố của ASEAN trong 50 năm qua nằm ở ngay lịch sử thành lập của tổ chức này.

Được thành lập như là một hiệp hội về kinh tế-văn hoá-xã hội, dựa trên "nguyên tắc không can thiệp," đòi hỏi sự phân biệt rõ ràng giữa các vấn đề khu vực và trong nước, do đó, bất kỳ hành động thực sự nào hướng tới việc tạo ra một thể chế có sức mạnh thực tế để chống khủng bố được cho là vi phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên ASEAN.

Dẫu vậy, việc IS đang hình thành các chân rết, cắm sâu hoạt động của mình tại Đông Nam Á, tăng cường hoạt động tại khắp nơi trên thế giới, đòi hỏi ASEAN phải nhìn nhận, xem xét và điều chỉnh nguyên tắc này.

Mối đe dọa nghiêm trọng từ IS khiến không một quốc gia nào trong ASEAN có thể "khoanh tay."

Để có thể duy trì hòa bình, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống thịnh vượng cho người dân, các quốc gia ASEAN cần có sự đoàn kết, đồng thuận, phối hợp chia sẻ thông tin cùng tạo thành một mặt trận đấu tranh hiệu quả, đánh bại các âm mưu, hoạt động của khủng bố nói chung và IS nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục