Thị trường chứng khoán chịu áp lực cơ cấu danh mục ở nhiều nhóm ngành

Về kịch bản tích cực, các chuyên gia cho rằng VN-Index sẽ rung lắc điều chỉnh và tiếp tục kiểm tra lại vùng giá 1.300 điểm trong tuần tới với hỗ trợ luân chuyển của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
VN-Index đang hướng đến vùng giá 1.290 điểm-1.300 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất của tháng Tám. Đây cũng là khu vực đỉnh tháng Ba, Sáu và Bảy của năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Sau tuần giao dịch tăng điểm trước đó, thị trường chứng khoán quay về giằng co trong biên độ hẹp cùng thanh khoản thấp. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 1,45 điểm (tương đương 0,11%) và xuống mốc 1.283,87 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng mất 2,51 điểm (tương đương 1,05%), về mức 237,56 điểm.

Thanh khoản sụt giảm

Trở lại diễn biến thị trường trong tuần qua, phiên thứ Hai đầu tuần dòng tiền duy trì tâm lý “hưng phấn” từ tuần trước đó với lực mua mạnh và giúp VN-Index đi lên kiểm định mốc 1.290 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán sau đó đã xuất hiện và khiến chỉ số quay đầu giảm nhẹ đồng thời động thái này được tiếp diễn giao dịch trong các phiên kế tiếp.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), chia sẻ thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm so với tuần giao dịch trước đó, do nhà đầu tư chuẩn bị bước vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE giảm 9,4% và tại HNX giảm 25%.

Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài nối dài đà bán ròng với giá trị 796 tỷ đồng tại sàn HOSE. Áp lực bán của họ tập trung vào các mã VHM (39,6 tỷ đồng), mã HPG (206,3 tỷ đồng), VPB (88,7 tỷ đồng) và VCI (55,7 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng tại mã FPT (188 tỷ đồng), MWG (63,4 tỷ đồng)... Tương tự, họ cũng có hoạt động bán ròng trên sàn HNX với giá trị 89 tỷ đồng và tập trung tại các mã SHS (33,6 tỷ đồng), TNG (10,9 tỷ đồng) và NTP (2 tỷ đồng).

Phân tích các yếu tố cơ bản trên thị trường, ông Nhật nhấn mạnh đến nội dung tại cuộc họp của Chính phủ về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 29 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 (theo Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tại đây, Phó thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh các địa phương cần chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng…, chỉ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công đã có những phiên giao dịch không mấy thuận lợi, cụ thể VCG (giảm 1,05%), LCG (giảm 2,71%), HHV (giảm 2,08%), C4G (giảm 3,19%), FCN (giảm 1,94%)...

Trái lại, nhóm ngành ghi nhận diễn biến tích cực với đà tăng giá khá ấn tượng, các mã TCB (tăng 4,24%), MBB (tăng 1,22%), VPB (tăng 1,07%), HDB (tăng 2,21%), ACB (tăng 1,43%)… Bên cạnh đó, một số nhóm cổ phiếu Vingroup cũng có những phiên giao dịch khởi sắc với thông tin tích cực từ việc khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh…, cụ thể mã VIC (tăng 6,38%), VHM (tăng 4,4%).

Trong tuần, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm là chứng khoán, thép, phân bón, bất động sản công nghiệp.

Thị trường phân hóa

Theo ông Nhật, sau tuần giao dịch tăng điểm lên vùng giá 1.280 điểm-1.300 điểm của VN-Index, thị trường đã chứng kiến 5 phiên giao dịch biến động trong biên độ hẹp cùng thanh khoản giảm quanh khu vực 1.280 điểm. Trên bình diện đó, thị trường phân hóa mạnh do chịu áp lực cơ cấu danh mục ở nhiều nhóm mã. Tuy nhiên về kỹ thuật, VN-Index đang hướng đến vùng giá 1.290 điểm-1.300 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất của tháng Tám. Đây cũng là khu vực đỉnh tháng Ba, Sáu và Bảy của năm nay.

Về khối lượng giao dịch tại sàn HoSE giảm so với tuần trước, ông Nhật cho rằng điều này thể hiện áp lực điều chỉnh tương đối bình thường. Điểm nhấn trên thị trường là việc VN30 tích cực hơn tăng 0,78% và lên 1.331,52 điểm, hướng đến giá cao nhất tháng Sáu tương ứng 1.339 điểm, thuộc vùng đỉnh giá 1.345 điểm-1.350 điểm cao nhất tháng 6/2022.

Đánh giá về xu hướng ngắn hạn, ông Nhật cho rằng VN-Index duy trì tăng trưởng và chịu áp lực điều chỉnh, cơ cấu danh mục trong vùng giá 1.280 điểm-1.300 điểm. Bởi, đây là khu vực kháng cự rất mạnh đỉnh giá các tháng Ba, Sáu và Bảy, sau giai đoạn tăng điểm tốt từ vùng giá 1.220 điểm-1.230 điểm. Hiện, VN-Index có hỗ trợ ngắn hạn tại vùng 1.275 điểm tương ứng giá trung bình 10 phiên vừa qua. Bên cạnh đó, đường xu hướng ngắn hạn đang nối giá cao nhất 1.306 điểm (đỉnh ngày 13/6) và 1.297 điểm (ngày 10/7 đến nay).

“Khả năng, VN-Index sẽ rung lắc điều chỉnh và tiếp tục kiểm tra lại vùng giá 1.300 điểm trong tuần tiếp theo với hỗ trợ luân chuyển của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hoặc, thị trường vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm-1.260 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023,” ông Nhật chia sẻ.

Mặt khác, ông Nhật cho rằng xu hướng trung hạn vẫn duy trì tích lũy tích cực trong vùng 1.250 điểm-1.255 điểm đến 1.300 điểm và có thể mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.255 điểm là vùng giá cao nhất năm 2023, 1.300 điểm-1.320 điểm là các vùng kháng cự rất mạnh, đỉnh giá tháng 6-8/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024. Như vậy, điểm cân bằng của kênh giá tích lũy này là quanh vùng 1.280 điểm.

Phân tích của SHS cũng chỉ ra thị trường đã kết thúc tháng Tám ở mức 1.283,87 điểm, tăng 2,59% so với tháng 7, vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023. Đây là diễn biến khá tích cực phù hợp với kỳ vọng Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu lộ trình hạ lãi suất trong tháng Chín và các yếu tố tích cực khác, như nền kinh tế duy trì tăng trưởng tốt và kỳ vọng tăng trưởng cuối năm, lãi suất đang ổn định trên nền thấp. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý đến các yếu tố bất định, kém tích cực, như áp lực bán ròng kéo dài của khối ngoại. Trong khi, căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn leo thang mở rộng.

Ông Nhật cho hay SHS đã mở rộng danh mục theo dõi giải ngân, nhưng khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua đuổi khi VN-Index tiếp tục hướng đến vùng 1.290 điểm-1.300 điểm. Khi thị trường đang phân hóa mạnh trong vùng giá này, đây sẽ không phải là vùng giá hấp dẫn, do VN-Index luôn chịu áp lực điều chỉnh mạnh trước đó.

Cụ thể hơn, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết VN-Index kết phiên cuối tuần với nến Doji (giá đóng cửa và giá mở cửa gần bằng nhau) cho thấy thị trường vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tâm lý lưỡng lự ở vùng điểm tiệm cận mốc 1300 điểm.

Ở khung đồ thị ngày, VCBS cho rằng chỉ số chung ghi nhận thêm một phiên giao dịch đi ngang ở biên độ hẹp đang chỉ ra quá trình tích lũy được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật khác chưa cho thấy sẽ có diễn biến mới và hiện đang bẻ ngang ủng hộ cho đà đi giằng co của thị trường. Tuy nhiên, chỉ báo kỹ thuật xác định xu hướng đang mở rộng lên phía trên, điều này mở ra kỳ vọng VN-Index sẽ sớm có những phiên tăng điểm trong ngắn hạn chinh phục mốc 1300 điểm

Đánh giá chung, nhóm phân tích của VCBS cho rằng thị trường duy trì được xu hướng đi ngang tích lũy với biên độ hẹp ổn định cùng sự cân bằng giữa hai bên mua bán. Trên cơ sở đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục hiện tại và có thể cân nhắc gia tăng đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang đi cùng với diễn biến thị trường và thu hút được lực cầu ổn định, như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ-viễn thông. Tuy nhiên, VCBS cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần chủ động theo dõi sát vận động của thị trường để có những chiến lược đầu tư hiệu quả và phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục