Khép lại quý 2, các chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 và Nasdaq Composite đã tăng tương ứng 3,9% và 8,3% trong khi chỉ số Dow Jones giảm 1,7%.
Các chỉ số nói trên chốt phiên 28/6 giảm, khi các nhà đầu tư đánh giá số liệu về lạm phát và yếu tố chính trị sau cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Chỉ số Dow Jones giảm 41,12 điểm, hay 0,11%, xuống 39.122,94 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 22,57 điểm, hay 0,41%, xuống 5.460,3 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 126,08 điểm, hay 0,71%, xuống 17.732,6 điểm.
Trong hai phiên trước, các chỉ số tăng nhẹ khi thị trường chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ. Trong phiên 25/6, các chỉ số diễn biến trái chiều khi cổ phiếu của công ty chip Nvidia đảo chiều, đẩy chỉ số công nghệ Nasdaq tăng điểm.
Trong phiên 24/6, chỉ số Dow Jones lên mức cao nhất trong một tháng, khi các nhà phân tích nhận định thị trường đang chờ đợi các thông tin quan trọng, trong đó có cuộc tranh luận của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ và dữ liệu lạm phát.
Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi trong nửa đầu năm 2024, với chỉ số S&P 500 tăng 14,5%, nhờ giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn tăng mạnh, khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi dù có dấu hiệu chậm lại.
Số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ trong tháng 5/2024 không thay đổi so với tháng 4/2024, sau khi giá cả tăng mạnh vào đầu năm gây lo ngại về hiệu quả từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ trong tháng 5/2024 ổn định, duy trì mức tăng hàng tháng 0,3% như trong tháng 4/2024. PCE tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,7% trong tháng 4/2024.
Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng hàng tháng 0,1% trong tháng trước, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 11/2024, sau khi tăng 0,3% trong tháng 4/2024. Lạm phát lõi tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,8% trong tháng 4/2024.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng trước, đưa đến sự lạc quan rằng Fed có thể đạt mục tiêu nền kinh tế "hạ cánh mềm."
Theo số liệu của LSEG FedWatch, khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9/2024 tăng lên 66%, sau khi số liệu PCE được công bố.
Fed đặt mục tiêu hạ nhiệt nền kinh tế trong nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% mà không gây suy thoái.
Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon kêu gọi Mỹ giảm thâm hụt tài chính càng sớm càng tốt, đồng thời cảnh báo vấn đề này có thể sẽ trở nên khó khăn hơn nếu tiếp tục bị bỏ qua.
Các chỉ số kinh tế cho thấy động lực tăng trưởng chính của toàn cầu đang có những điều kiện tương đối tốt. Nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể đã chuyển từ lạm phát cao sang duy trì ở mức ổn định mà không bị rơi vào tình trạng suy thoái. Khu vực sản xuất của Mỹ đang suy yếu song khu vực dịch vụ vẫn có triển vọng tốt.
Các doanh nghiệp chỉ cắt giảm việc tuyển dụng một cách thận trọng nhưng không sa thải người lao động. Điều này cho phép thị trường lao động hạ nhiệt, không khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng dẫn đến suy thoái kinh tế.
Người tiêu dùng cũng đang hạn chế chi tiêu mà không cắt giảm hoàn toàn. Các công ty tiếp tục tăng chi tiêu vốn 1,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Nếu các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục duy trì tuyển dụng lao động, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực mới thì đây là một dấu hiệu tốt.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, chính phủ liên bang cho đến nay đã chi nhiều hơn 855 tỷ USD so với số tiền thu được trong năm tài chính 2024, dẫn đến thâm hụt quốc gia. Trong năm tài chính 2023, chi tiêu thâm hụt của chính phủ ở mức 1.700 tỷ USD.
Thâm hụt tài chính của Chính phủ Mỹ đã tăng 347 tỷ USD trong tháng 5, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, do chi phí đi vay tăng cao tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu. Điều đó khiến mức thâm hụt từ đầu năm đến nay của Mỹ lên tới 1.200 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, các khoản thu cho năm tài chính cho đến nay vẫn cao hơn 9% so với năm 2023, nhờ tổng thuế doanh nghiệp tăng 29%. Tuy nhiên, những con số đó phình ra do thời hạn được lùi từ năm 2023 sang năm tài chính hiện tại đối với người nộp thuế ở California và các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Một quan chức Bộ Tài chính cho biết bộ này vẫn chưa thể đưa ra ước tính về mức độ ảnh hưởng của việc gia hạn thời hạn nộp thuế đến việc so sánh doanh thu giữa các năm. Về mặt chi tiêu, chi phí lãi vay trả nợ công tính đến thời điểm hiện tại đạt 728 tỷ USD, tăng 37% so với năm ngoái.
Tổng chi tiêu cho năm tài chính tăng 6% được điều chỉnh lên 4.500 tỷ USD. Chi tiêu trong tháng 5 là 671 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là đương kim Tổng thống Joe Biden và ứng cử viên của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump cũng tác động tới thị trường chứng khoán. Theo nhà quản lý danh mục đầu tư tại Globalt Investments, yếu tố khó đoán định về cuộc bầu cử Tổng thống gia tăng thay vì giảm đi.
Các nhà giao dịch đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của đợt phục hồi trên thị trường chứng khoán, đồng thời kêu gọi sự cần thiết phải đa dạng hóa danh mục đầu tư để phòng ngừa những khoản lỗ lớn có thể xảy ra./.
Chứng khoán Phố Wall nối dài đà tăng trong phiên giao dịch 27/6
Chuyên gia của CFRA Research nhận định thị trường chứng khoán Mỹ đang khá lưỡng lự trong việc đưa ra đánh giá, trước khi dữ liệu Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) thực tế được công bố.