Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, nhưng thị trường IPO (lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng) khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng ngược dòng, tổng mức huy động vốn trong năm 2020 tăng 45% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 136,2 tỷ USD, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2010. Về mặt số lượng, năm 2020 khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực hiện 822 vụ IPO, nhiều nhất từ năm 2017 đến nay.
Theo báo cáo xu hướng IPO toàn cầu do Ernst & Young công bố ngày 21/1, hoạt động IPO trên các lĩnh vực công nghệ (38,7 tỷ USD), công nghiệp (20,8 tỷ USD) và vật liệu (7,4 tỷ USD) diễn ra sôi động nhất.
Giám đốc dịch vụ IPO khu vực ASEAN của Ernst & Young La Cẩm Vĩ cho rằng mặc dù dịch bệnh tác động nặng nề, nhưng thị trường IPO khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì sức bền trong năm 2020. Rõ ràng, chính sách kích thích tài khóa của chính phủ các nước, lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào và sự ra đời của vắcxin đã hình thành một bộ đệm hiệu quả.
Năm 2020, ba sàn giao dịch chứng khoán lớn của Trung Quốc bao gồm Hong Kong, Thượng Hải và Thâm Quyến đã thực hiện 536 thương vụ IPO với tổng lượng vốn huy động đạt 119,1 tỷ USD, chiếm 87,4% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dù xét về số lượng thương vụ hay tổng vốn huy động được cũng đều vượt xa các sàn giao dịch khác trong khu vực, lọt vào top 5 toàn cầu.
[Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á tăng phiên chiều 21/1]
Báo cáo nhấn mạnh, cùng với bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ, các nhà đầu tư sẽ thắp sáng huy vọng trở lại, kỳ vọng chính quyền mới có thể nới lỏng yêu cầu quản lý giám sát đối với các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán Mỹ. Sự lạc quan của các nhà đầu tư đã góp phần thúc đẩy gia tăng số thương vụ IPO và lượng vốn huy động trong quý IV/2020 trên các sàn giao dịch của Trung Quốc.
Trong khi đó, mặc dù số lượng các vụ IPO và lượng vốn huy động của ASESAN trong quý IV/2020 tăng nhẹ so với quý trước, nhưng quy mô giao dịch bình quân lại tăng mạnh, dự báo năm 2021 sẽ đón nhận nhiều hơn các thương vụ IPO tầm trung, thay vì chỉ các thương vụ IPO quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ cả năm 2020, số thương vụ IPO và lượng vốn huy động của ASEAN lần lượt giảm 13% và 5%. Trong đó, thị trường Thái Lan huy động nhiều vốn nhất, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước đó lên 4,9 tỷ USD, đồng thời có 2 thương vụ IPO thu về trên 1 tỷ USD. Huy động vốn trên thị trường Singapore (Xin-ga-po) giảm 58% xuống còn 1 tỷ USD, nhưng vẫn đứng thứ 2 trong khối ASEAN.
Theo thống kê của Ernst & Young, năm 2020 khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoàn tất 822 thương vụ IPO, là mức cao nhất từ năm 2017 đến nay, mức tăng giao dịch bình quân trong ngày đầu tiên niêm yết trên thị trường ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt 58%. Điều này cho thấy có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường và có dấu hiệu đầu cơ.
Về thị trường IPO toàn cầu, năm 2020 có 1.363 vụ IPO, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019, lượng vốn huy động được đạt 268 tỷ USD, tăng 29%. Đối tác chính về dịch vụ niêm yết toàn cầu của Ernst & Young Ngô Kế Long cho rằng năm 2020 có quá nhiều sự kiện bất ngờ, trong 6 tháng đầu năm thị trường biến động nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, nhưng sau đó nhanh chóng phục hồi, thị trường IPO khép lại năm 2020 với tín hiện tươi sáng.
Theo chuyên gia Ngô Kế Long, mặc dù đối diện với đại dịch, nhưng hoạt động IPO toàn cầu vẫn duy trì sức sống, thể hiện rõ sức bền của thị trường chứng khoán, thị trường vốn và hoạt động IPO đã hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng cao.
Nhờ sự thúc đẩy của chính sách kích thích tài khóa, thanh khoản dồi dào và tâm lý lạc quan do vắcxin ngừa COVID-19 ra đời, thị trường IPO sẽ tiếp tục duy trì xu thế tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng với sự điều chỉnh của thị trường, đặc biệt là những công ty có giá cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2020. /.