Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua hai phiên giao dịch “đen tối” với đà lao dốc của VN-Index tổng cộng 93,44 điểm (giảm 8,5%), chốt phiên tại mốc 1.011,6 điểm. Theo đó, vốn hóa thị trường đã “không cánh mà bay” khoảng 317.000 tỷ đồng, tương ứng xấp xỉ 14 tỷ USD (tỷ giá tại Vietcombank ngày 6/2 là 22.675 VND/USD).
[Hàng loạt mã nện sàn, chỉ số VN-Index bị thổi bay hơn 56 điểm]
Tác động kép
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn–Hà Nội (SHS), nguyên nhân đầu tiên tạo ra “cú sốc” của thị trường trong hai phiên đầu tuần phải kể đến thông tin không mấy tích cực từ các thị trường toàn cầu, khi các chỉ số chính đều có mức sụt giảm rất mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thắng chỉ ra nguyên nhân khác có thể là do quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ lên 60% bắt đầu từ tháng Ba. Nhà đầu tư vốn hay có những động thái đi trước đón đầu các chính sách, để không bị bất ngờ khi các quy định được áp dụng.
[VN-Index tiếp tục mất 37 điểm, may mắn trụ lại mốc 1.000 điểm]
“Trước thời điểm nghỉ Tết, nhà đầu tư cũng thường có tâm lý bán ra để thu tiền về và nghỉ ngơi sớm,” ông Thắng chia sẻ.
Như vậy, các cổ phiếu trụ cột trên cả hai sàn bất ngờ giảm sâu đồng thời tạo ra tâm lý cộng hưởng, gây nên áp lực bán trên diện rộng, khiến VN-Index có mức giảm mạnh nhất (kể từ đợt trước đó ngày 8/5/2014, VN-Index mất 5,87% do sự kiện trên biển Đông).
Bên cạnh đó, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Kinh tế Vĩ mô, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng chỉ ra, thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một giai đoạn tăng trưởng tương đối dài (từ đầu năm 2016 đến nay, VN-Index đi lên từ 647 điểm lên mức cao nhất là 1130 điểm, tăng 74%).
“Đà tăng mạnh mẽ của thị trường đã vượt qua mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong thời gian tương ứng là khá cao, nên mức định giá của thị trường đã lên mặt bằng cao mới, điều này phản ánh qua mức PE [hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu-PV] trung bình ở mức cao lịch sử đạt 21 lần, theo Báo cáo từ Bloomberg,” ông Tuấn phân tích.
Điều chỉnh đúng quy luật
Ông Tuấn khẳng định, việc thị trường chứng khoán có những đợt điều chỉnh giá mạnh hoàn toàn diễn ra theo quy luật thị trường. Yếu tố kích hoạt đợt điều chỉnh lần này xuất phát từ các thị trường chứng khoán quốc tế, mà điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ với hai phiên giảm mạnh, tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy hoạt động bán ra.
Nhận định về xu thế thị trường trong phiên tới đây, ông Thắng cho rằng, việc chỉ số VN-Index giảm mạnh liên tiếp trong 2 phiên khiến nhiều cổ phiếu về mức giá hấp dẫn hơn. Diễn biến giao dịch trong ngày 6/2, áp lực bán đã giảm nhẹ so với phiên trước đó và lực cầu bắt đáy cũng bắt đầu gia tăng.
“Dựa vào những điều kiện trên và dữ liệu quá khứ, chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam sẽ cần một phiên ổn định nữa để tạo đáy vào ngày mai 7/2, sau đó hồi phục trở lại trong hai phiên cuối tuần,” ông Thắng dự báo.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Tuấn nhấn mạnh: “Các mức giảm điểm trong hai phiên vừa qua là một trong những đợt suy giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, trong các phiên tới, chúng tôi dự báo sẽ không có các phiên giảm điểm mạnh như trên xảy ra. Trong thời gian tới, thị trường có khả năng phục hồi nhẹ trước khi kiểm tra lại các mốc điểm thấp trong phiên ngày 6/2. Kế đến nhiều khả năng, thị trường sẽ có một đến hai tuần giao dịch ở mức thấp, sau khi tạo đáy thành công sẽ tăng trở lại. Theo chúng tôi, trong năm nay, VN-Index sẽ vượt ngưỡng cao lịch sử là 1170 điểm.”
Dự báo về những biến động trên thị trường, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc của Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) nhấn mạnh, một điểm dễ thấy, đó là trùng lặp theo chu kỳ của thị trường sau 10 năm. “Cái gì lên thì nó sẽ xuống và ngược lại” - Ông Tân khuyến cáo, “các thành viên thị trường cần nhìn nhận sự lên và xuống một cách bình tĩnh đồng thời tận dụng những biến động của thị trường để quản trị doanh nghiệp, quản lý nền kinh tế tốt nhất là điều quan trọng”./.