Thiếu Lâm mở rộng ảnh hưởng sang châu Phi

Thiếu Lâm tự mở rộng ảnh hưởng sang tận... châu Phi

Đã là những màn trình diễn quen thuộc ở châu Á, Mỹ và châu Âu, các võ sư Thiếu Lâm giờ đang chuyển sự chú ý sang châu Phi, nơi kung fu đang trở nên nổi tiếng nhanh chóng.
Màn biểu diễn của các nhà sư chùa Thiếu lâm trên sân khấu Dakar, Senegal (Nguồn: AFP)

Mười nhà sư mặc áo cà sa nâu sòng xuất hiện như những con báo đang săn mồi, trước khi có những cú đấm, đá, nhào lộn và khinh công ngoạn mục trên sân khấu.

Họ là những chiến sư của ngôi chùa nổi tiếng Trung Quốc Thiếu Lâm, nơi ra đời của kung fu, thứ võ thuật đang mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. 

“Kung fu Thiếu Lâm không chỉ là các bài tập thể dục”, Shi Yancen, 26 tuổi, nói khi đang trèo lên sân khấu lớn do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Dakar của Senegal trong chuyến trình diễn đầu tiên của họ ở châu Phi. “Học kung fu cũng là học và ngưỡng mộ văn hóa Phật giáo”.

Shi, với khuôn mặt hiền hòa và chưa tới tuổi 20, đã học kung fu nửa đời người ở Thiếu Lâm tự, ngôi chùa nằm trên núi Thiếu Thất ở Hà Nam, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.

Đã là những màn trình diễn quen thuộc ở châu Á, Mỹ và châu Âu, các võ sư Thiếu Lâm giờ đang chuyển sự chú ý sang châu Phi, nơi kung fu đang trở nên nổi tiếng nhanh chóng.

Kể từ năm 2008, các võ sư từ ngôi chùa này đã đi lưu diễn và các biểu diễn luôn bán hết vé ở Nam Phi, Cameroon, Congo-Brazzaville, Guinea Xích Đạo, Burundi, Uganda, Eritrea, Rwanda, Ethiopia và Malawi.

Nhờ có họ, hàng nghìn trẻ em châu Phi đang đăng ký học võ Thiếu Lâm mỗi năm, và 12 quốc gia, bao gồm Senegal, đã tham gia vào giải vô địch kung fu liên châu lục lần thứ năm tổ chức tại Madagascar hồi tháng 9.

Chùa Thiếu Lâm chưa mở “chi nhánh” ở châu Phi, nhưng người phụ trách quan hệ với nước ngoài của chùa, Wang Yumin, nói với AFP rằng chùa có chiến lược đưa du học sinh châu Phi sang Trung Quốc để truyền đi thông điệp về “tình yêu, công lý và sức khỏe”.

“Chùa Thiếu Lâm có sứ mệnh lan tỏa truyền thống của chúng tôi và châu Phi có cùng nhu cầu về những nền văn hóa huyền thoại”, bà Wang nói. Các học sinh từ sáu nước châu Phi đã bắt đầu năm năm huấn luyện ở chùa Thiếu Lâm năm 2011, bao gồm cả học Phật pháp, tất cả chi phí do phía Trung Quốc trả.

Vào tháng 12, các học viên từ Tanzania, Ethiopia, Mauritius, Uganda và Nigeria đã tốt nghiệp khóa ba tháng đầu tiên do Bộ văn hóa Trung Quốc mở ở chùa Thiếu Lâm. 

“Cuộc sống ở Thiếu Lâm tự thật yên bình và đáng yêu. Không giống như thế giới thực ồn ào ngoài kia”, một học viên đã tốt nghiệp, Peace Emezue, người Nigeria, nói. “Tôi gặp nhiều người rất cân bằng ở đây và tự tôi cũng tìm thấy sự hòa bình trong tâm hồn. Tôi muốn nhiều người biết điều đó hơn”.

Màn biểu diễn của các môn sinh Thiếu lâm tự (Nguồn: AFP)

Các truyền thuyết nói chùa Thiếu Lâm có lịch sử từ năm 495, khi hoàng đế Xiaowen (Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế) ra lệnh xây chùa trên núi để vinh danh một nhà sư Ấn Độ, Batuo (Bạt Đà). 

Khoảng 30 năm sau, một nhà tu khổ hạnh người Ấn Độ khác Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) đã tới và có chín năm thiền tịnh ở một hang đá gần đó trước khi dạy thiền cho các nhà sư trong chùa và khởi đầu cho kung fu Thiếu Lâm tự.

Vào thời hoàng kim ở thế kỷ 13, chùa có tới gần 3.000 nhà sư, nhưng cũng trải qua những thời kỳ gian khó khi bị một phiên tướng đốt trụi trong thời nội chiến Trung Quốc những năm 1920 và bị hủy hoại nặng nề trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản 20 năm sau đó.

Do kung fu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong giai đoạn Cách mạng văn hóa 1966-76, phần lớn ngôi chùa đã bị đội Hồng vệ binh của Mao Trạch Đônđốt trụi và các nhà sư bị bắt hoàn tục. 

Sự hồi sinh của ngôi chùa nhờ phần lớn vào tác phẩm điện ảnh “Thiếu Lâm Tự”, một phim võ thuật rất ăn khách năm 1982 với sự góp mặt của Jet Li (Lý Liên Kiệt), biến các nhà sư thành một thương hiệu toàn cầu khi Trung Quốc bắt đầu tự do hóa kinh tế.

Ngày nay, một số người coi trọng truyền thống than phiền rằng ngôi chùa đã trở thành một nơi làm tiền với các bận tâm về tài chính lấn át văn hóa và tinh thần võ học. Thiếu Lâm tự hiện cũng đã tổ chức được gần 130 câu lạc bộ võ thuật ở Mỹ, khiến họ bị chỉ trích vì tình trạng thương mại hóa quá đáng trên toàn cầu.

“Chúng tôi hiện đang cai quản hơn 40 công ty ở các thành phố trên khắp thế giới, như Berlin và London”, báo Trung Quốc Global Times dẫn lời một nhà sư có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Thiếu Lâm tự, nói trong một diễn đàn năm 2011./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục