Thổ Nhĩ Kỳ: Không chấp nhận việc phương Tây im lặng khi Israel tấn công Gaza

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “không thể chấp nhận” việc các nước phương Tây vẫn im lặng hoặc ủng hộ Israel khi họ tiếp tục phát động các cuộc tấn công ở Gaza.
Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 8/8 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gặp và hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara.

Hãng thông tấn Anadolu dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo trên cho hay ông Erdogan đã nói với ông Abbas rằng “không thể chấp nhận” việc các nước phương Tây vẫn im lặng hoặc ủng hộ Israel khi họ tiếp tục phát động các cuộc tấn công ở Gaza.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng tất cả các nước, đặc biệt các nước thuộc thế giới Hồi giáo, cần tăng cường các nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ở đây mà không bị gây khó khăn, cản trở.

Dự kiến, Tổng thống Palestine sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/8 nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine.

Tổng thống Erdogan cũng sẽ tham dự sự kiện này cùng với một số người Palestine bị thương trong các cuộc tấn công của Israel ở Gaza, những người này đã được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị y tế.

Tổng thống Abbas thực hiện chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian 2 ngày. Ông đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với vấn đề của Palestine.

Ông luôn kiên định theo đuổi lập trường rằng việc giải phóng các vùng lãnh thổ Palestine mà Israel đang chiếm đóng cũng như tạo điều kiện để hai nhà nước Palestine và Israel cùng có độc lập, chủ quyền sẽ đảm bảo hòa bình lâu dài ở Trung Đông.

Chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Abbas diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza đã khiến gần 40.000 người Palestine thiệt mạng.

Khu vực Trung Đông đang chứng kiến căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị phong trào Hamas, ông Ismail Haniyeh, ở Tehran (Iran), và chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr ở Beirut (Liban) vào cuối tháng 7 vừa qua.

Cộng đồng quốc tế đang lo ngại nguy cơ xung đột sẽ lan rộng ra toàn khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục