Thổ Nhĩ Kỳ mở lại phiên xử 236 sỹ quan âm mưu đảo chính

Một tòa án thành phố Istanbul đã tiến hành phiên xét xử lại hơn 200 sỹ quan quân đội bị cáo buộc liên quan tới âm mưu lật đổ chính phủ năm 2003.
Hilmi Ozkok, cựu Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: www.objektifhaber.com)

Một tòa án thành phố Istanbul ngày 3/11 đã tiến hành phiên xét xử lại hơn 200 sỹ quan quân đội bị cáo buộc liên quan tới âm mưu lật đổ chính phủ năm 2003 sau khi một tòa án cấp cao hồi tháng Sáu bác bỏ các phán quyết ban đầu trong vụ việc.

Tổng cộng 236 bị cáo, trong đó bao gồm nhiều tướng lĩnh quân đội cấp cao đã nghỉ hưu, theo kế hoạch sẽ ra trước tòa để cung cấp lời khai về các cáo buộc liên quan tới âm mưu lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cách đây hơn một thập kỷ.

Hãng tin tư nhân Dogan đưa tin phát biểu tại phiên tòa, Hilmi Ozkok, cựu Tham mưu trưởng, cho biết ông "chưa từng nhận được thông tin nào" về một kế hoạch đảo chính.

Âm mưu đảo chính năm 2003 được cho là do các tướng lĩnh chủ mưu vạch ra tại một hội nghị quân sự.

Âm mưu trên gồm các kế hoạch đánh bom một số thánh đường Hồi giáo ở thành phố Istanbul và kích động xung đột với Hy Lạp, gây hỗn loạn đất nước để dọn đường cho quân đội can thiệp giành chính quyền.

Trong khi đó, quân đội nói rằng các tướng lĩnh chỉ thảo luận một kịch bản giả tưởng liên quan đến xung đột nội bộ và không có kế hoạch đảo chính.

Năm 2012, một tòa án đã kết thúc phiên tòa xét xử 365 nghi can bị cáo buộc liên quan tới âm mưu lật đổ chính phủ với mức án cao nhất 20 năm tù giam đối với 3 cựu tướng lĩnh.

Ngoài ra, 78 sỹ quan bị lĩnh án 18 năm tù giam, 246 sĩ quan lĩnh án 16 năm tù giam và 28 sỹ quan lĩnh án 12 năm tù giam. Chỉ có 34 người trong số 365 nghi can được tuyên trắng án.

Tuy nhiên, tháng Sáu vừa qua, tòa án cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra phán quyết rằng phiên xét xử trên có thiếu sót và đã vi phạm quyền của các sỹ quan quân đội.

Tòa án trên đã bác bỏ các tuyên án cũ và tuyên bố mở các phiên xét xử lại. Tòa án này cũng tuyên bố nhiều bằng chứng buộc tội chống lại các bị cáo đưa ra trong phiên tòa hồi 2012 có được qua các con đường không hợp pháp như nghe lén.

Quân đội từ lâu là một lực lượng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, từng phát động ba cuộc binh biến từ năm 1960 đến 1980 cũng như từng gây sức ép buộc một chính phủ do lực lượng Hồi giáo đứng đầu phải từ nhiệm trong năm 1997.

Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền cách đây một thập kỷ, đảng Công lý và Phát triển (AK) của Thủ tướng Erdogan - nay là Tổng thống - đã cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của quân đội trong việc hoạch định chính sách cũng như trong việc bổ nhiệm các bộ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục