Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nơi quá cảnh của chiến binh gia nhập IS

Thổ Nhĩ Kỳ hiện không ưu tiên mục tiêu tiêu diệt các chiến binh thánh chiến IS do đó các chiến binh nước ngoài có thể dễ dàng qua nước này để tới Syria.
Phiến quân IS gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trả lời điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện ngày 26/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện không ưu tiên mục tiêu tiêu diệt các chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, do đó các chiến binh nước ngoài có thể dễ dàng qua nước này để tới Syria.
Quan chức tình báo Mỹ cũng bày tỏ không lạc quan với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS bởi vì nước này hiện đang ưu tiên giải quyết vấn đề liên quan tới cộng đồng người Kurd đối lập và tình hình kinh tế của đất nước.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy người dân nước này không coi IS là mối đe dọa chủ yếu. Chính cách tiếp cận này của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp các chiến binh nước ngoài có thể dễ dàng đi qua lãnh thổ quốc gia này để tới Syria đầu quân cho IS.
Người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cho biết khoảng 60% các chiến binh nước ngoài đã tới Syria qua đường Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông này, một trong những yếu tố khiến một số nước tại Trung Đông ngần ngại gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu là do chính sách thiếu rõ ràng của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, các hành động dã man mà những chiến binh IS tiến hành trong thời gian qua như chặt đầu các con tin và thiêu sống viên phi công người Jordan, đã khiến người dân khu vực này phẫn nộ. Đã có thêm nhiều quốc gia Trung Đông sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống IS, như chia sẻ thông tin tình báo."
Mặc dù vậy, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Clapper thừa nhận Mỹ hiện đang đối mặt với "khoảng trống" tình báo tại Syria, do nước này không có đại sứ quán cũng như bất kỳ cơ quan đại diện chính thức nào tại đây.
Đánh giá về hoạt động của IS, quan chức Nhà Trắng cho rằng lực lượng này đang đối mặt với thiếu nguồn tài chính để cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như điện, thực phẩm, cho 1 triệu dân tại thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq.
Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy IS đang cưỡng bức người dân gia nhập tổ chức để bù đắp cho sự thiếu hụt lực lượng, đặc biệt sau các vụ không kích tại thị trấn chiến lược Kobane của Iraq giáp giới Syria đã tiêu diệt ít nhất 3.000 chiến binh thánh chiến./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục