Thời điểm chín muồi cho sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh

"Trong thời gian xây dựng thị trường, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc nhằm để bảo vệ nhà đầu tư."
Tọa đàm “Cơ hội và rủi ro khi ra mắt thị trường phái sinh,” ngày 15/6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thị trường chứng khoán phái sinh có rất nhiều lợi ích, nhưng không nên đặt kỳ vọng trong thời gian đầu, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam khác với các nước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phải xây dựng và phát triển thị trường, còn tại những thị trường phát triển nhiệm vụ của Ủy ban chỉ là kiểm soát.”  

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lý giải, trong thời gian xây dựng thị trường, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc nhằm để bảo vệ nhà đầu tư.

“Nếu nhà đầu tư không được bảo vệ, thì tất cả ​thị trường đều mất. Chứng khoán phái sinh vừa phải xây dựng song cũng cần phải kiểm soát, điều đầu tiên là không để đổ vỡ, do đó cần có thời gian. ” ông Hưng nói.


Tích lũy đủ thời gian

Tại cuộc tọa đàm “Cơ hội và rủi ro khi ra mắt thị trường phái sinh,” ngày 15/6, các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh chứng khoán đã trao đổi rất thẳng thắn và cho rằng đây là thời điểm phù hợp để thị trường chứng khoán phái sinh ra đời. Tuy nhiên ở giai đoạn này, từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường đến các nhà đầu tư cần phải thận trọng, từng bước làm quen với sản phẩm, ​bởi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong vận hành.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho rằng, sau 17 năm phát triển, thị trường chứng khoán đã đi vào chuyên sâu và đòi hỏi những bước phát triển hơn nữa về cấu trúc.

“Thị trường chứng khoán phái là mảng cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể thị trường chứng khoán Việt Nam,” ông Tuấn nói.

Theo các chuyên gia, về bản chất thị trường chứng khoán có sứ mệnh huy động vốn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.  Do đó, việc phát triển thị trường là phải xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư và những sản phẩm có tính rủi ro cao luôn mang lại sự hấp dẫn.

Ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đã tích lũy vừa đủ để triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, mở ra những cơ hội cho nhà đầu tư trong hoạt động giao dịch. Sản phẩm chứng khoán phái sinh đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro, nhu cầu kinh doanh đầu cơ dựa  trên biến động của thị trường, qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư với việc đa dạng hóa sản phẩm.

“Đây là thời điểm rất là chính muồi và đủ thận trọng cho sự ra đời của chứng khoán phái sinh,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Tính hai mặt của sản phẩm

Sản phẩm phái sinh giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro song nó cũng ẩn chứa những rủi ro mang tính hệ thống. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán thế giới đã nhiều rủi ro từ các sản phẩm chứng khoán phái sinh, sự sụp đổ của Ngân hàng Lehmand Brothers hay thị trường chứng khoán Hongkong, Sở giao dịch chứng khoán Chicago…

Ông Tuấn cho biết, từ các bài học ​trên, cơ quan quản lý đã nhận định rõ những trường hợp rủi ro có thể xảy ra và rút ra kinh nghiệm, từ đó xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn. Bên cạnh sự chuẩn bị, các nhà vận hành sẽ tiếp tục giám sát và rút kinh nghiệm từ quá trình thị trường đi vào cuộc sống.

“Trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư thực hiện giao dịch nhưng thành viên bù trừ phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Như nhà đầu tư mất thanh toán, trách nhiệm sẽ thuộc về thành viên bù trừ, nên phải có biện pháp kiểm soát được điều này nhằm tránh các kịch bản xảy ra đỗ vỡ,” ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng, thị trường vận hành, đầu tiên là thanh khoản, sau đó thanh khoản quá lớn thì phải điều tiết.

“Do đó, cơ quan quản lý sẽ phải nghiên cứu, quy mô của thị trường, bước giá của sản phẩm, mức ký quỹ phải cân đối giữa nhu cầu nhà đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo sự an toàn.”

Ông Phong cũng chia sẻ, cơ chế của thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư theo dõi lãi, lỗ phát sinh hàng ngày, điều này giúp họ kiểm soát rủi ro dễ dàng. Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý, bản chất các giao dịch chứng khoán phái sinh là nhằm hưởng chênh lệch giá, vì vậy khi đã có lãi hoặc lỗ, các nhà đầu tư phải nhanh chóng cân nhắc việc nên đóng vị thế.

Về việc thao túng giá, ông Phong cho rằng không quá lo ngại, “giá sản phẩm phái sinh luôn đi sát với giá của thị trường cơ sở. Ngày đến hạn, giá trên thị trường phái sinh phải tiệm cận với giá cơ sở. Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết theo nguyên lý vận động của nó cũng như sự hoạt động của các nhà đầu tư.”

Về điều này, ông Hưng nhấn mạnh, rủi ro nằm ở bộ lọc các cổ phiếu tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Nếu chứng khoán phái sinh không có bộ lọc tốt, rổ cổ phiếu bao gồm cả các mã “bị thao túng – manipulate’” thì sẽ có rủi ro.

“Điều này vô hình trung, những người tạo lập thị trường minh bạch lại cấp giấy chứng nhận cho những cổ phiếu ‘bị thao túng’ và ở cương vị nhà đầu tư, họ cũng sẽ không bao giờ bỏ tiền," ông Hưng thẳng thắn nói./.

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục