Thông cáo báo chí số 12, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Quốc hội dành cả ngày để tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề.
Quang cảnh phiên họp chiều 7/11. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thứ ba, ngày 7/11/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 12 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Quốc hội dành cả ngày để tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Từ 8 giờ đến 9 giở 10, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã tham gia trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn, đã có 9 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 5 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau:

Về lĩnh vực công thương: giải pháp đối với tình trạng hàng giả, hàng nhái; giải pháp quản lý đối với lĩnh vực thương mại điện tử; trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc quản lý các loại hương liệu thuốc lá điện tử; giải pháp đưa Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 sớm đi vào vận hành.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: biện pháp duy trì tính bền vững cho những sản phẩm OCOP.

Về lĩnh vực giao thông vận tải: tình hình triển khai nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

[ Hôm nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhiều lĩnh vực nóng]

Về lĩnh vực xây dựng: giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: vấn đề xử lý nước thải ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kết quả thực hiện việc xử lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp để khắc phục hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp.

Từ 9 giờ 10 đến 1 giờ 30 và từ 14 giờ đến 15 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham gia trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn đã có 28 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau:

Về lĩnh vực tư pháp: giải pháp đối với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; trách nhiệm và giải pháp của Bộ Tư pháp trong xây dựng thể chế; vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính; trách nhiệm quản lý nhà nước về giám định tư pháp; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của bộ máy pháp chế có chính sách đủ mạnh để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực pháp chế.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về lĩnh vực nội vụ: chính sách tiền lương đối với đội ngũ không phải công chức trong cơ quan quản lý nhà nước; giải pháp cải thiện tiền lương của nhân viên trường học; chính sách tiền lương đối với giáo viên mầm non; giải pháp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; giải pháp để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm; giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; giải pháp thực hiện thành công Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: giải pháp giải quyết vấn đề pháp lý đối với người dân di dân tự phát tại Tây Nguyên; giải pháp để cảnh sát khu vực có thể đảm bảo nhiệm vụ khi cắt giảm biên chế; giải pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân; giải pháp trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; giải pháp đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giải pháp hiệu quả đối với tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy.

Về lĩnh vực thanh tra: trách nhiệm, giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình thanh tra; việc thành lập Tổ công tác để thanh tra lại kết quả của Đoàn thanh tra có đúng luật không; thời gian kết thúc vụ việc tại dự án nhà ở thương mại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; giải pháp để triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội trong đó yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; kết quả thực hiện các nội dung yêu cầu trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm quản lý, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra.

Về lĩnh vực tòa án: giải pháp thực hiện các chỉ tiêu và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp; vấn đề hòa giải thương mại.

Về lĩnh vực kiểm toán: giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kiến nghị, kết luận kiểm toán.

Từ 15 giờ 30 đến 17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn, tập trung vào các nội dung sau:

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ: gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ.

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo: cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông; việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường; kinh phí cho hoạt động Đoàn, Đội của các nhà trường.

Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: giải pháp tạo cơ chế, nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Về lĩnh vực y tế: việc xây dựng và triển khai hồ sơ khám bệnh điện tử, khám chữa bệnh từ xa; giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác y tế; việc sắp xếp trung tâm y tế cấp huyện; giải pháp đối với tình trạng chậm thanh toán bảo hiểm y tế; nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: giải pháp đối với vướng mắc trong cơ chế thu, quản lý học phí ở các trường nghề ngoài công lập; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp đối với việc đưa người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; giải pháp tạo sinh kế, việc làm cho đối tượng lao động nữ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; trách nhiệm và giải pháp của Bộ nhằm nâng cao năng suất lao động.

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông: tính chính danh của các cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội; giải pháp của các nhà mạng nhằm phủ sóng tại tất cả các thôn, bản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp xử lý hiện tượng sử dụng các trang mạng quảng cáo thực phẩm, thuốc chữa bệnh chưa được kiểm chứng; tiến độ phủ sóng 4G, 5G của các nhà mạng; vấn đề bảo vệ sự xâm hại đời tư trên không gian mạng.

Thứ tư, ngày 8/11/2023: Sáng, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chiều, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục