Thông điệp chính của Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20

Hội nghị bộ trưởng Y tế G20 là bước tiến trên con đường mà Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch G20 năm nay, đã thực hiện cùng với các thành viên G20, các quốc gia khách mời và các tổ chức quốc tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được tổ chức tại Rome (Italy) trong 2 ngày 5-6/9, với thông điệp chính là “xây dựng trở lại tốt hơn” và tăng cường hợp tác, đoàn kết và bình đẳng để “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 bao gồm 3 phiên họp. Phiên đầu tiên tập trung thảo luận tác động của đại dịch COVID-19 đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tình trạng khẩn cấp y tế kéo dài hiện đang đe dọa sự tiến bộ trong việc đạt được các SDG. Do đó, thế giới cần phải theo đuổi sự phục hồi có tính đến những bài học kinh nghiệm trong đại dịch COVID-19, điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh SDG.

Phiên thứ hai sẽ tập trung vào việc đưa ra hướng dẫn cụ thể cho những thay đổi này. Các nước G20 sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi là nên làm gì để ngăn chặn, chuẩn bị tốt hơn và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Phiên thứ ba sẽ xem xét các công cụ cho phép cộng đồng quốc tế chống đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Các nước thành viên G20 đề cập đến việc xác định những chiến lược toàn cầu tốt nhất có thể để hỗ trợ việc phát triển và tiếp cận công bằng vaccine, phương pháp điều trị và việc chẩn đoán.

[Italy vận động các nước hỗ trợ người tị nạn Afghanistan]

Hội nghị bộ trưởng Y tế G20 tại Rome là bước tiến trên con đường mà Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch G20 năm nay, đã thực hiện cùng với các thành viên G20, các quốc gia khách mời và các tổ chức quốc tế. Trong khi duy trì vai trò trung tâm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), G20 đặt mục tiêu cải thiện sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế hiện có và chính quyền các nước, chuẩn bị khả năng thành lập diễn đàn điều phối và ra quyết định chung của các Bộ trưởng Y tế và Tài chính G20, mở cửa cho các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác.

Việc đảm bảo một hệ thống tài chính vững chắc và ổn định hơn là hệ quả thiết yếu cho mục tiêu này, vừa để vượt qua COVID-19, vừa để được trang bị tốt hơn cho việc đối phó với các đại dịch trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục