Ngày 15/12, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng đã biểu quyết thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, Hội đồng thẩm định đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về các nội dung chính của Quy hoạch và các ý kiến đánh giá, thảo luận và bỏ phiếu đánh giá của các Thành viên Hôi đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng kết luận Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng công phu, nghiêm túc, huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia trong quá trình lập và hoàn thiện quy hoạch.
Nội dung quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển và định hướng phát, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ ‘mở đường’ tạo động lực phát triển
Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Năm 2022, GRDP vùng chiếm khoảng 31% cả nước.
Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng trong việc “chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng." Đây là bản quy hoạch vùng được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đặc biệt, địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất nước, đạt 41% tổng vốn FDI, với hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ. Đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và sức lan tỏa lớn.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, đóng góp vào tổng thu ngân sách Nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Trên thực tế, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng và liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
Vì vậy, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch giúp “mở đường”- tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng. Đâu cũng là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư và góp phần giúp cho vùng đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới giàu truyền thống cách mạng sẽ có những bước phát triển phát triển nhanh và bền vững
Đến nay, cả nước đã có 106/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được thẩm định. Trong số đó, 6 quy hoạch ngành quốc gia và 1/6 quy hoạch tỉnh thuộc vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.