Thủ đô Bangkok lại rung chuyển vì những cuộc đụng độ

Bầu không khí căng thẳng đang bao trùm thủ đô Bangkok khi diễn ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến nhiều người thương vong. 

Ngày 18/2, chính quyền Thái Lan đã bắt đầu thực hiện việc giành lại các cơ quan chính quyền đang bị người biểu tình bao vây.

Một bầu không khí căng thẳng, nặng nề bao phủ lên thủ đô Bangkok ngay từ sáng sớm khi cảnh sát tiến hành lấy lại các điểm được định sẵn và yêu cầu người biểu tình dời khỏi tòa nhà chính phủ.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã đích thân dẫn đoàn người ủng hộ xuống đường chặn trước cửa tòa nhà chính phủ và tuyên bố phong trào biểu tình sẽ kháng cự đến cùng.

Ông này còn tuyên bố rằng cảnh sát khi thực hiện nhiệm vụ cần nhận thức rõ rằng họ đều là người Thái và người biểu tình với lực lượng cảnh sát không phải là kẻ thù.

Mục tiêu chính của người biểu tình là loại bỏ chế độ Thaksin và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Thủ lĩnh biểu tình cũng đã kêu gọi người dân Thái Lan đổ về thủ đô để tập trung cho cái mà ông này nói là "trận chiến cuối cùng" chống lại chính phủ hiện nay.

Cảnh sát đã triển khai 10 đại đội chống bạo động nhằm thị uy và họ bước đầu giành lại được Trụ sở công ty dầu khí nhà nước (PTT) cùng một phần Bộ Năng lượng.

Trước đó, ở một điểm biểu tình khác ở phía Bắc thủ đô, thủ lĩnh biểu tình đã đồng ý dỡ bỏ các rào chắn, mở đường cho mọi người đi vào khu tổ hợp văn phòng cơ quan chính quyền.

Tại những điểm đã giành lại được từ người biểu tình, cảnh sát đã tìm thấy nhiều vật liệu nổ tự tạo, pháo hoa, lựu đạn cay, bột nitrơrát làm chất nổ...

Người biểu tình luôn nói rằng họ chỉ tụ tập để bày tỏ sự phản đối một cách trật tự và hợp pháp, nhưng những gì tìm thấy từ các điểm của người biểu tình cho thấy đó không phải là vật liệu phục vụ các hoạt động hòa bình.

Những người đang bao vây, chiếm giữ bên ngoài tòa nhà chính phủ cũng thề sẽ không để chính phủ lấy lại các điểm họ bao vây với lý do muốn ngăn cản bà Yingluck trở lại làm việc.

Đại diện của cảnh sát đã được cử tới để thương lượng với người biểu tình mặc dù họ vẫn tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch giành lại các điểm biểu tình cho tới khi thành công.

Trong lúc cảnh sát tổ chức thương lượng, các cuộc giao chiến bằng súng vẫn diễn ra tại một điểm ngã tư cách tòa nhà chính phủ khoảng 500m.

Người biểu tình nói rằng giao chiến diễn ra giữa họ và lực lượng cảnh sát. Cuộc đấu súng giữa đường phố này diễn ra trong 45 phút và khi kết thúc người biểu tình đã chiếm được hai chiếc xe của cảnh sát.

Theo thống kê của Trung tâm y tế khẩn cấp Bangkok, đã có ít nhất ba người chết và hàng chục người bị thương trong các cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát khi cảnh sát thực hiện kế hoạch lấy lại các cơ quan nhà nước.

Có một cảnh sát bị chết, sáu cảnh sát và một phóng viên nước ngoài bị thương, số còn lại thuộc lực lượng biểu tình chống chính phủ.

Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố rằng họ đang chờ đợi thời điểm thích hợp để bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep.

Cảnh sát có nhiệm vụ liên tục gây sức ép với người biểu tình, nhưng không sử dụng vũ lực. Chính phủ cũng đặt ra thời hạn vào 19/2 sẽ giải tán hết người biểu tình.

Quân đội Thái Lan cũng đã lên tiếng khẳng định không can thiệp mà chỉ cử các nhân viên y tế quân sự tới trợ giúp người biểu tình bị thương trong các vụ xung đột với cảnh sát.

Có năm đại đội kiểu này được cử tới các khu vực xung quanh tòa nhà chính phủ theo chỉ thị của Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha.

Quân đội cũng nói rằng họ không thể làm gì hơn ngoài những hành động này bởi họ phải chịu sự chỉ huy của Trung tâm gìn giữ hòa bình của chính phủ.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan dường như vẫn chưa tìm được lối thoát sau khi Chính phủ và Ủy ban Bầu cử không nhất trí được ngày giờ tổ chức các cuộc bỏ phiếu bổ sung.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tại Thái Lan cho tới thời điểm này vẫn còn dang dở bởi có tới 28 khu vực vẫn chưa tiến hành đăng ký được ứng cử viên.

Ngoài ra, còn nhiều khu vực khác chưa thể tổ chức bỏ phiếu vì bị người biểu tình bao vây, ngăn cản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục