Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo, thông tin một số kết quả công tác tư pháp chủ yếu quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2023.
Nhiều kết quả tích cực trong công tác thi hành án
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính trong quý 3 và cả năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, đến nay đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 đối với lĩnh vực thi hành án (từ ngày 1/10/2022 đến 31/9/2023).
Các cơ quan đã thi hành xong 574.819 việc, tăng 36.189 việc so với cùng kỳ; đạt 83,25% (tăng 0,75% so với cùng kỳ), cao hơn 0,75% so với chỉ tiêu của Ban cán sự Đảng giao.
Các cơ quan đã thi hành xong hơn 89.412 tỷ đồng, tăng hơn 14.376 tỷ đồng so với cùng kỳ; đạt 46,78% (tăng 1,24% so với cùng kỳ), cao hơn 1,28% so với chỉ tiêu của của Ban cán sự Đảng giao.
Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo.
Kết quả thi hành án kinh tế, tham nhũng năm 2023, đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) thu được hơn 20.405 tỷ đồng; đạt 67,10% về việc và 41,11% về tiền.
Đối với kết quả theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022)./.
Bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ được giao
Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết trong quý 3/2023, Bộ đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.
Công tác tham mưu quản lý Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được chú trọng. Bộ Tư pháp đã trình 6/6 văn bản, đề án theo chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, như dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; các Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023;
Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp; Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... tiếp tục được tăng cường. Đáng chú ý, việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Bộ Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án; hoàn thiện các tính năng kỹ thuật phần mềm, nâng cấp hạ tầng và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai trong toàn quốc từ ngày 10/7/2023 về việc thực hiện trực tuyến liên thông đối với 2 nhóm thủ tục hành chính quan trọng (đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-hỗ trợ mai táng phí), tạo thuận lợi tối đa cho người dân và bước đầu được đón nhận tích cực.
Tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi
Trong quý 3, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật được tiếp tục tập trung thực hiện.
Đặc biệt, Bộ đã tham mưu và tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại các khu vực, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc nhằm tạo sân chơi, diễn đàn giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hòa giải viên; tôn vinh, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, các địa phương có cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Đây là dịp để lan tỏa sâu rộng mục đích, vai trò, ý nghĩa, giá trị nhân văn của công tác này.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 86.000 tổ hòa giải với trên 540.000 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%.
[Xác định cụ thể mâu thuẫn, bất cập trong các văn bản pháp luật]
Hội thi được tổ chức thành hai vòng thi, gồm Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo ba khu vực miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam.
Các đội thi đạt giải Nhất, Nhì, Ba của Vòng thi khu vực sẽ được lựa chọn vào Vòng thi toàn quốc. Hội thi là điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).