Năm 2022, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của ngành Thuế được giao là 1,17 triệu tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách của toàn ngành trong sáu tháng của năm đã đạt gần 775.300 tỷ đồng, tương ứng 66% dự toán pháp lệnh và bằng 118% so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2022, ngày 30/6.
Tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn đạt 98%
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết năm 2022 kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa đồng thời nới lỏng các chính sách tiền tệ. Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, theo đó các hoạt động văn hóa, xã hội dần trở lại bình thường đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác thu ngân sách.
“Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng cơ quan thuế các cấp đã đạt được kết quả thu theo nhiệm vụ được giao,” ông Tuấn trao đổi.
Cụ thể, thu ngân sách 6 tháng từ dầu thô đạt 34.100 tỷ đồng, bằng 121% dự toán và bằng 180% cùng kỳ năm ngoái; thu nội địa đạt 741.100 tỷ đồng, bằng 65 % dự toán pháp lệnh, bằng 116% so với cùng kỳ.
Trong đó, số thu thuế và phí nội địa đạt 578.400 tỷ đồng, bằng 63% dự toán pháp lệnh, bằng 113% cùng kỳ. Nếu loại trừ các yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn, tổng số thu thuế và phí nội địa tăng xấp xỉ 6% so cùng kỳ năm.
Tính trên toàn quốc, có 60/63 địa phương ghi nhận số thu đạt trên 50% dự toán, trong đó một số địa phương thu 6 tháng đạt kết quả cao, bao gồm Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh.
Để đạt kết quả trên, lãnh đạo ngành thuế cho bết công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tiếp tục được đẩy mạnh qua hình thức điện tử, nhằm đáp ứng xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế.
Trên cơ sở đó, công tác hỗ trợ người nộp thuế được cơ quan thuế các cấp chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế sang phương thức hỗ trợ trực tuyến đồng thời đẩy mạnh triển khai hỗ trợ giải đáp vướng mắc thông qua các hình thức điện thoại, thực hiện chuyên mục Giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử ngành Thuế; hỗ trợ trực tuyến qua 479 kênh thông tin của toàn ngành Thuế; đăng tải clip, văn bản hướng dẫn trên website ngành thuế và các mạng xã hội (Zalo, Facebook) của cơ quan thuế các cấp.
“Công tác quản lý kê khai thuế và kiểm soát hoàn thuế giá trị gia tăng được chú trọng nhằm kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế, từ đó phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, không kịp thời số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Kết quả trong các tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 4 triệu tờ khai, trong đó tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn đạt 98%,” ông Tuấn cho biết.
Kiến nghị xử lý trên 13.900 tỷ đồng
Theo báo cáo của ngành thuế, các cấp đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế nhằm đảm bảo việc hoàn thuế được thực hiện đúng quy định. Tính đến cuối tháng 6, cơ quan thuế đã ban hành 9.153 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 64.200 tỷ đồng.
Người đứng đầu ngành thuế cho biết công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro.
Trong 6 tháng, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 20.720 cuộc thanh tra, kiểm tra với 276.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 13.900 tỷ đồng, trong đó số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra gần 3.900 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 640 tỷ đồng và giảm lỗ 9.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được được 74 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả đã truy thu và xử phạt 288 tỷ đồng, giảm lỗ 488 tỷ đồng và giảm khấu trừ 900 triệu đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra đối với giao dịch liên kết đã truy thu 187 tỷ đồng, giảm lỗ 370 tỷ đồng.
Theo đó, toàn ngành thuế thu hồi nợ thuế đạt 16.245 tỷ đồng trong sáu tháng của năm và xử lý nợ thuế theo (Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội các tháng đầu năm 2022) đạt 1.297 tỷ đồng. Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ trong 6 tháng, đạt 33.768 tỷ đồng.
Đặc biệt về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, cơ quan thuế các cấp tập trung công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Theo đó, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu trong sáu tháng đạt 760 tỷ đồng và lũy kế đến nay đạt 5.432 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Đến nay, cơ quan thuế ghi nhận có 23 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam, tổng số thuế khoảng 2,4 triệu USD.
Riêng về công tác triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thông qua việc cục thuế các tỉnh, thành phố tham mưu, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, ban hành kịp thời Quyết định điều chỉnh bổ sung Bảng giá đất. Ngành triển khai đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người nộp thuế tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm.”
”Ngành thuế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải các bài báo tuyên truyền đến người nộp thuế, các tổ chức hành nghề công chứng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ trong việc khai báo giá chuyển nhượng đúng với giao dịch thực tế,” lãnh đạo cơ quan thuế trao đổi.
Với việc triển khai các biện pháp nêu trên đã ghi nhận những hiệu quả tích cực, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong những tháng đầu năm đạt hơn 16.600 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021./.