Thu ngân sách TP Hồ Chí Minh tăng cao nhất trong 4 năm gần đây

Theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM tính đến cuối tháng 4/2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán năm và tăng 13,87% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh khởi sắc. (Ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghiệp, vận tải kho bãi... ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự sôi động của thị trường nhà đất đã tác động tích cực đến hoạt động thu ngân sách thành phố trong 4 tháng đầu năm 2022. Qua đó, góp phần giúp ngân sách thành phố tăng cao nhất trong những năm gần đây.

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán năm và tăng 13,87% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong hoạt động thu ngân sách thành phố 4 năm gần đây.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 124.267 tỷ đồng, đạt trên 46% dự toán, tăng 15,41% so cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 43.900 tỷ đồng, đạt 37,68% dự toán, tăng 9,75% so cùng kỳ.

Bà Hà cũng cho biết, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm, một số khoản thu đã đạt trên 40% dự toán.

Đây là kết quả của việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2022-2025 với nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả nhằm khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; cùng với tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng như kích thích tiêu dùng trong nước mà thành phố đã triển khai thời gian qua.

Cụ thể, thu từ khu vực kinh tế là 69.230 tỷ đồng, đạt 43,42% dự toán và tăng 0,41% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghiệp, vận tải kho bãi... tăng trưởng rất tốt thời gian qua đã tác động tích cực đến ngân sách thành phố trong những tháng đầu năm.

[Kinh tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực]

Nguồn thu từ khối doanh nghiệp nhà nước trung ương, doanh nghiệp nhà nước địa phương đều đạt tỷ trọng cao và có tăng trưởng so với cùng kỳ.

Riêng nguồn thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh thì tuy tỷ lệ đạt hoàn thành so với dự toán là trên 40%, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ.

Thuế thu nhập cá nhân đạt trên 56% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ; lệ phí trước bạ cũng tăng đáng kể... thể hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư rất sôi nổi trong những tháng đầu năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đáng chú ý, thu từ hoạt động khác đã đạt trên 49% dự toán, tăng 37,44% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ tiền sử dụng đất đạt 7.500 tỷ đồng, tương đương với 39,48% dự toán và tăng hơn 15% so với cùng kỳ...

Liên quan đến nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt nước đều tăng mạnh so với cùng kỳ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, trong 4 tháng qua, thành phố ghi nhận số lượng hồ sơ mua bán, giao dịch nhà đất tăng đột biến, với trên 172.000 hồ sơ giao dịch. Tiền thu được từ phí sử dụng đất là trên 8.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

"Kết quả khả quan này là nhờ việc cải cách hành chính đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ giao dịch. Sự liên thông giữa ngành Tài nguyên và Môi trường và ngành Thuế thành phố đã giúp người dân, doanh nghiệp cắt giảm được một số công đoạn, giảm thời gian chờ đợi," ông Thắng cho biết.

Trong 4 tháng đầu năm, ngành tài nguyên và môi trường thành phố đã cấp gần 4.000 giấy chứng nhận đăng ký đất đai lần đầu cùng hơn 170.000 giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân về biến động đất đai.

Để giữ vững thành quả trên, tại phiên họp kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 26/4, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và khai thác nguồn thu, tăng cường kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Cục Thuế thành phố sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến thu, nắm chắc các nguồn thu, nguyên nhân tác động làm tăng giảm nguồn thu theo khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thủ tục hành chính thế. Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản thủ tục hành chính thuế.

Về phía Cục Hải quan sẽ phát huy hiệu quả Tổ Công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Từng bước hoàn thiện áp dụng chữ ký số vào việc phát hành văn bản điện tử. Tăng cường dịch vụ công trực tuyến 24/7.

Sở Tài chính tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ đúng dự toán được duyệt. Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách. Theo dõi chặt chẽ tình hình thu ngân sách nhà nước.

Về phía Ủy ban Nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức tập trung khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý sắp xếp. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công...

Các Sở, ngành liên quan sẽ phải rà soát việc giao đất, các trường hợp thuê đất để yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính, ký hợp đồng thuê đất hoặc điều chỉnh hợp đồng theo quy định; thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển để tạo nguồn thu ngân sách thành phố.

Đồng thời, tập trung rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư để thu hồi vốn tạm ứng, tránh xuống cấp gây lãng phí.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục