Ngày 8/6, trong khuôn khổ chuyến thăm Washington, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Mỹ, trong đó kêu gọi tăng cường sự hợp tác an ninh song phương.
Thủ tướng Modi cho rằng cần củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ an ninh giữa Ấn Độ và Mỹ. Ông nhấn mạnh "cuộc chiến chống khủng bố phải được triển khai trên nhiều cấp độ", và nếu chỉ dựa vào "những phương thức truyền thống của quân đội, hoạt động tình báo hay ngoại giao sẽ không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này". Do đó, ông kêu gọi Ấn Độ và Mỹ cần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác an ninh.
Liên quan đến tình hình các vùng biển ở châu Á, Thủ tướng Modi nhấn mạnh một mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn mạnh mẽ có thể giúp đảm bảo an ninh đường biển và tự do hàng hải, qua đó thúc đẩy nền hòa bình và an ninh trong khu vực. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng khẳng định cam kết của New Delhi trong việc hỗ trợ việc tái thiết nền hòa bình và ổn định ở Afghanistan, dù vẫn bày tỏ lo ngại hoạt động khủng bố là mối đe dọa lớn nhất tại quốc gia này cũng như toàn khu vực Nam Á.
Việc Thủ tướng Modi được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ được xem là một nghi thức đón tiếp trọng thị hiếm có dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ, đồng thời phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ "nồng ấm" giữa hai nước. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan từng nhận định sự kiện trên là cơ hội để các nghị sĩ lắng nghe nhà lãnh đạo của nền dân chủ lớn nhất thế giới nói về cách thức hai nước có thể cùng nhau chia sẻ các giá trị chung và thúc đẩy sự thịnh vượng.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Modi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama, theo đó hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực song phương, quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong “Tuyên bố chung Mỹ-Ấn: Đối tác Bền vững trong Thế kỷ 21”, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ dựa trên các giá trị chung về tự do, dân chủ, quyền con người, bình đẳng và pháp trị.
Hai bên cam kết tìm kiếm các cơ hội mới để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, nâng cao năng lực quản lý dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Lãnh đạo hai nước cam kết phối hợp ngăn chặn nguy cơ các phần tử khủng bố có thể tiếp cận và sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân cũng như các vật liệu phóng xạ khác./.