Thủ tướng Angela Merkel khởi động các cuộc "đàm phán marathon"

Sau cuộc gặp kéo dài nhiều giờ, đảng của bà Merkel và 2 đảng nhỏ thừa nhận vẫn còn chặng đường dài trước khi có thể thành lập được một liên minh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và đại diện của đảng Dân chủ tự do và đảng Xanh tại cuộc gặp ở Berlin ngày 20/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khởi động các cuộc "đàm phán marathon" nhằm thành lập chính phủ liên minh giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà với 2 đảng nhỏ, gồm đảng Dân chủ Tự do (FDP, theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp) và đảng Xanh (cánh tả).

Sau cuộc gặp kéo dài nhiều giờ, các bên đều đánh giá tích cực không khí làm việc, song thừa nhận vẫn còn chặng đường dài trước khi có thể thành lập được một liên minh.

Tổng Thư ký CDU Peter Tauber cho biết đối với CDU, điều quan trọng trong vòng thảo luận tới là đạt tiến triển về vấn đề gia đình, các vùng nông thôn, cũng như các câu hỏi về hội nhập và đoàn kết xã hội.

Về phần mình, Tổng Thư ký FDP Nicola Beer cho biết cuộc thảo luận ngày 24/10 tới sẽ bàn các chi tiết cụ thể, với một nhóm nhỏ hơn, chuyên môn hơn và linh hoạt hơn.


[Thủ tướng Merkel khởi động đàm phán thành lập chính phủ liên minh]

Trong khi đó, Tổng Thư ký đảng Xanh Michael Kellner bày tỏ vui mừng vì tất cả các đảng đều tôn trọng Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, và đánh giá đây là "sự khởi đầu tốt" và hy vọng các bên sẽ đi sâu hơn trong vấn đề này. Trước đó, Thủ tướng Merkel bày tỏ lạc quan về kết quả đàm phán.

Các cuộc thảo luận được kỳ vọng giúp các bên vượt qua các khác biệt và nhanh chóng thành lập một chính phủ mới ổn định dù đảng của bà Merkel thừa nhận rằng phạm vi hoạt động của chính phủ mới trong lĩnh vực tài chính có thể bị hạn chế.

Giới chuyên gia dự đoán đây sẽ là một tiến trình đàm phán gai góc và có thể kéo dài do 3 bên có quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề từ thuế, năng lượng cho tới các vấn đề liên quan tới châu Âu.

Kết quả các cuộc đàm phán nói trên được trông đợi rất nhiều ở cả trong nước Đức và trên khắp châu Âu.

Nhiều người lo ngại Liên minh châu Âu (EU) sẽ "mất lái" khi vị lãnh đạo lâu năm nhất của khối này đang quá bận rộn về đối nội nên không tập trung giải quyết các vấn đề sống còn của khối như cải cách quản lý Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục