Thủ tướng: Báo chí cần đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả

Theo Thủ tướng, các cơ quan báo chí cần "thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng; đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), chiều 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo cáo tình hình hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua, Nhà báo Thuận Hữu, Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Hội Nhà báo Việt Nam hiện có trên 24.000 hội viên.

Hội và giới báo chí cả nước luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; không ngừng nỗ lực phấn đấu góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đã không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, từng bước khẳng định vị thế, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước. Những kết quả hoạt động đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.

Tại buổi làm việc, các cơ quan báo chí mong muốn Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm nhân lực báo chí. Chính phủ có cơ chế thuế thuận lợi hơn cho các cơ quan báo chí trong việc thu hút nguồn thu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu để thay đổi giáo trình giảng dạy trong các đơn vị đào tạo báo chí, giúp các sinh viên được đào tạo cả kiến thức nền trong một số lĩnh vực cụ thể như kinh tế, chính trị... thay vì chỉ có kiến thức báo chí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông giảm giá thuê đường truyền Internet băng thông rộng cho các cơ quan báo chí.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nêu những khó khăn về nguồn lực-nhân lực báo chí trong các cơ quan báo chí lớn hiện nay còn thiếu và chưa đủ mạnh, cần được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nhất là khâu đầu vào.

Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng của vấn nạn tin giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong xã hội.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cho biết TTXVN đang hoàn thiện dự án kiểm chứng thông tin nhằm giúp độc giả phân biệt giữa tin giả và tin thật; là công cụ hữu hiệu giúp độc giả, cơ quan, tổ chức trong chọn lọc, xử lý thông tin.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp nhất tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí trong cả nước nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh những phóng viên, nhà báo là những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ quan trọng, chuyển tải thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân và phản ánh sinh động, chân thực đời sống xã hội.

Thủ tướng gửi lời tri ân đến các nhà báo lão thành, cán bộ hưu trí làm báo đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng nói riêng, sự nghiệp cách mạng của đất nước nói chung.

Thủ tướng khẳng định những thành tựu, thắng lợi trên mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của báo chí, nhất là vai trò đi đầu trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng đánh giá đội ngũ nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững vàng về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn. Tính chuyên nghiệp liên tục được nâng cao. Xu hướng tiếp cận công nghệ mới trong hoạt động báo chí được thực hiện có hiệu quả.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam]

Đánh giá về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng cho rằng Hội đã làm tốt công tác phát triển hội viên. Vai trò, vị trí, năng lực của Hội ngày càng được nâng cao. Thông qua các hoạt động cụ thể, Hội đã tạo được sự hấp dẫn, thu hút người làm báo tham gia sinh hoạt. Ngoài ra, Hội quan tâm nhiều hơn đến khâu đào tạo, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn cho hội viên.

Biểu dương, chúc mừng nỗ lực của những người làm báo cả nước, của Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn mà các cơ quan báo chí gặp phải; trong đó, có việc thực hiện cơ chế tự chủ trong bối cảnh sụt giảm mạnh nguồn thu từ quảng cáo ngay cả đối với các cơ quan báo chí có uy tín với nguyên nhân là sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội.

Cho rằng hiện vẫn còn không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của báo chí trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, thậm chí còn bị mạng xã hội chi phối, chạy theo mạng xã hội, dẫn đến xảy ra những sai phạm đáng tiếc, Thủ tướng lưu ý việc nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được thông tin giữa mạng xã hội và thông tin báo chí; coi thông tin trên mạng xã hội cũng là tin tức báo chí, kể cả tin giả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo Thủ tướng, các cơ quan báo chí cần "thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng; đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới."

Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí cần có nhiều hơn những phóng sự điều tra, những bài viết xã luận sắc sảo, tinh gọn, trực tiếp theo hướng đưa ra được những đề xuất cho đất nước phát triển.

Thủ tướng cũng cho rằng một số tờ báo còn chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; còn để xảy ra không ít tiêu cực trong hoạt động báo chí như thương mại hóa, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách. Có những cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật; có một số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền doanh nghiệp và người dân.

Nhấn mạnh giá trị, vai trò quan trọng được xác lập ngay từ đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cơ quan quan báo chí muốn phát triển xa hơn, lớn hơn thì phải phát huy những giá trị cốt lõi đó là tính cách mạng và tính tiên phong.

Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng mong muốn báo chí đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, của Đảng; đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng giá trị của chế độ.

Cho rằng thông tin đi sau sẽ không còn giá trị, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí phải tinh, nhạy, kịp thời, chính xác trong hoạt động thông tin.

Thủ tướng nhấn mạnh báo chí cách mạng phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, đó là xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, giữ gìn văn hóa dân tộc...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết Nhà nước, Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển. Theo đó, tự chủ báo chí phải được hiểu theo nghĩa là đơn vị nào tự chủ được sẽ tự chủ hơn, cơ quan nào Nhà nước cần đặt hàng, Nhà nước phải quan tâm hơn, thay vì quay lại bao cấp. Chính phủ sẽ tiếp tục đặt hàng báo chí; tạo điều kiện để hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn làm đầu tàu cho báo chí Việt Nam.

Về nhiệm vụ trọng tâm 2019 và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí lớn phải thực hiện tốt Quy hoạch báo chí. Quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai quy hoạch, đồng thời phối hợp với Hội Nhà báo phối hợp giải quyết tốt các vấn đề phát sinh khi thực hiện quy hoạch./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục