Thủ tướng dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn năm 2017

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “đầu tư lĩnh vực gì mà người dân được hưởng lợi nhiều, phát huy hiệu quả thì chúng ta nên làm.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn năm 2017 được tổ chức sáng 19/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “đầu tư lĩnh vực gì mà người dân được hưởng lợi nhiều, phát huy hiệu quả thì chúng ta nên làm.”

Tâm sự với doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng động viên “làm ở tỉnh khó, mới xứng danh anh hùng” và đề nghị chính quyền Bắc Kạn quyết tâm hơn nữa nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hiện đang ở mức rất thấp, gần chót bảng trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước.


Viên ngọc xanh của núi rừng Việt Bắc

Là một tỉnh nội địa vùng Đông Bắc, tiềm năng, lợi thế nổi bật nhất của Bắc Kạn chủ yếu xoay quanh nông lâm nghiệp và du lịch.

Đúng như câu ca dao: "Bắc Kạn có suối đãi vàng; có Hồ Ba Bể, có nàng áo xanh," tài nguyên được coi là hạt nhân phát triển kinh tế du lịch của vùng đất này là quần thể du lịch Vườn quốc gia Ba Bể với tổng diện tích 10.000ha đã được UNESCO công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Đặc biệt, Hồ Ba Bể - địa danh đã đi vào truyền thuyết, được mệnh danh là "Viên ngọc xanh của núi rừng Việt Bắc" với diện tích khoảng 500ha đã được xếp hạng là Di tích đặc biệt quốc gia, khu Ramsar thứ 1938 trên thế giới và khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam.

Nằm trong quần thể chiến khu Việt Bắc năm xưa "Cao-Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà," Bắc Kạn đã đi vào sử sách dân tộc với các địa chí cách mạng như An toàn khu-Chợ Đồn, di tích Đồi Nà Pậu, Bản Ca, Khau Mạ, Khuổi Linh... gắn với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp.

[Khai mạc chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc"]

Là địa bàn cư trú của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số với những phong tục tập quán khác nhau đan xen đã tạo nên cho Bắc Kạn một bản sắc đặc biệt mà biểu trưng nhất là văn hóa Tày Nùng; thể hiện rõ nét qua những phiên chợ vùng cao; các Lễ hội mùa xuân bản làng. Tiêu biểu như chợ Bản Tàu Ba Bể, chợ tình Xuân Dương Na Rì, các lễ hội lồng tồng...

Sản vật Bắc Kạn nức tiếng trong vùng có thể kể đến là Hồng không hạt, Lê Ngân Sơn, Quýt Quang Thuận, khoai môn, mắm tép chua, rượu ngô (Ba Bể). Đây còn là vùng đất giàu tiềm năng về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp chế biến gỗ gắn MDF với phát triển kinh tế rừng và cũng là vùng địa chất rất giàu tiềm năng về công nghiệp khai khoáng.

Hỗ trợ cao nhất cho các nhà đầu tư

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế, vì vậy kinh tế-xã hội của tỉnh còn chậm phát triển, thu nhập và đời sống nhân dân còn khó khăn.

Tại Hội nghị, Bắc Kạn kêu gọi các nhà đầu tư vào một số lĩnh vực và ngành nghề có tiềm năng với 33 dự án trọng điểm, chủ yếu trong ba lĩnh vực hạ tầng, nông lâm nghiệp và du lịch. Bắc Kạn cam kết sẽ hỗ trợ mức cao nhất cho các nhà đầu tư theo các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ; đồng thời hỗ trợ tích tụ đất đai các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng cây dược liệu cùng các chính sách hỗ trợ khác như quảng bá tạo thương hiệu sản phẩm, tiếp cận vốn vay.

Quyết tâm nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Đến dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại một tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực đóng góp, hỗ trợ cho Bắc Kạn vươn lên trong tiến trình phát triển kinh tế.

Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ dành cho lực lượng Thanh niên xung phong khi đi qua Bắc Kạn những năm 1950: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắp làm nên,” Thủ tướng nhấn mạnh, câu nói sống động này, đến ngày nay vẫn có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với lực lượng thanh niên cả nước mà còn cả chính quyền và nhân dân Bắc Kạn.

Khơi gợi lại truyền thống quý báu của một địa phương - cái nôi của cách mạng, Thủ tướng mong muốn: Bắc Kạn ngày nay phải giàu ý chí vươn lên trong xây dựng và phát triển kinh tế. “Không có việc gì khó chính là ở chỗ này,” Thủ tướng nói. Là một tỉnh kiên cường trong kháng chiến thì Bắc Kạn nay cũng phải giàu sáng tạo trong hoạch định chiến lược kinh tế-xã hội, là một hình mẫu tiên phong trong xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Là một tỉnh từng là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, niềm tự hào chung của cả nước trong gian khổ kháng chiến thì ngày nay, Bắc Kạn phải là một tỉnh đoàn kết, trên dưới một lòng, tổng động viên nhân dân làm giàu, xây dựng niềm tin, quyết tâm của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp,” Thủ tướng kỳ vọng.

Thủ tướng ghi nhận những điểm tích cực về tình hình cơ bản của địa phương, đặc biệt là tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; phát triển được một số sản phẩm nông nghiệp và hình thành được một số nhà máy công nghiệp. Thủ tướng cũng nhìn nhận, Bắc Kạn đã thể hiện tinh thần quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, có những biện pháp chuyển hướng phát triển và bước đầu đạt được thành công nhất định mà hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là minh chứng.

Phân tích những lợi thế so sánh riêng có của Bắc Kạn, Thủ tướng nói tới tiềm năng về công nghiệp khai khoáng và vật liệu xây dựng với 25 triệu tấn chì, kẽm; ngành trồng rừng và công nghiệp từ rừng với gần nửa triệu ha rừng trồng, độ che phủ rất cao, tỷ lệ sinh khối nhanh, môi trường đất tốt. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến lợi thế phát triển du lịch Hồ Ba Bể cùng nhiều hang động kỳ vĩ mà ngay cả nhiều người dân trong nước và thế giới chưa từng biết tới.

Bắc Kạn nhiều tiềm năng lợi thế, với những giá trị độc đáo cả về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, bản sắc con người nhưng vẫn “chưa làm nên việc lớn” vì thiếu phương pháp, hay thiếu ý chí, Thủ tướng nhận xét.

Chỉ ra những tồn tại, bất cập của địa phương, Thủ tướng đề nghị Bắc Kạn quyết tâm hơn nữa nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hiện đang rất thấp, ở mức chót bảng. Bên cạnh đó, để tìm được lối ra đột phá, tỉnh phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa để mời gọi những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính, quyết tâm cao để thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các doanh nghiệp được trao Chứng nhận chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cũng đề nghị Bắc Kạn có phương án quy hoạch, bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, phát huy sáng kiến mô hình giáo dục tập trung, đào tạo nhân lực cho người dân địa phương đáp ứng giao thoa văn hóa dân tộc để người dân được hưởng lợi. Tái thiết lại chính sách trợ cấp và phân bổ nguồn lực theo hướng hiệu quả, chứ không chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu “tức là đầu tư lĩnh vực gì mà người dân được hưởng lợi nhiều, phát huy hiệu quả thì chúng ta nên làm,” Thủ tướng cắt nghĩa ngắn gọn.

Đi liền với đó là có chính sách thu hút đầu tư sao cho không dàn trải, một mặt thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực, mặt khác không làm tổn hại đến môi trường, làm tiêu hao tài nguyên và chi phí cơ hội cho phát triển sau này, tức là “phát triển bền vững.” Chú trọng phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, làm tốt công tác người có công, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; gìn giữ, phát huy thế mạnh đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Bắc Kạn.

Thủ tướng thẳng thắn đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Bắc Kạn phải “nói và làm,” “làm ở tỉnh khó, mới xứng danh anh hùng” và phải có tầm nhìn lâu dài, có ý thức bảo vệ môi trường, chia sẻ và cùng hưởng lợi với người dân. Bắc Kạn phải “dứt khoát nói không với nhà đầu tư không đóng góp gì cho kinh tế và phúc lợi ở địa phương” mà chủ yếu đi khai thác tài nguyên, Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho một số dự án của tỉnh; các nhà đầu tư ký cam kết đầu tư đoạn cao tốc Chợ Mới-Thành phố Bắc Kạn (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn); tuyến đường từ Quân Bình (huyện Bạch Thông) đi hồ Ba Bể (huyện Ba Bể); dự án khu đô thị Bắc Sông Cầu... Các ngân hàng thương mại cũng đã ký cam kết tài trợ vốn cho các dự án đầu tư trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục