Theo một tuyên bố từ Phủ Tổng thống Italy, vào tối 7/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Matteo Renzi đã chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn tuyên bố trên cho biết Tổng thống Mattarella đã đề nghị ông Renzi vẫn tạm thời đảm đương vai trò điều hành chính phủ trong thời gian Tổng thống tiến hành tham vấn với các chính đảng nhằm quyết định bước tiếp theo.
Các cuộc tham vấn sẽ bắt đầu vào lúc 17 giờ (GMT) ngày 8/12 và dự kiến kết thúc vào chiều 10/12.
Trước đó, ông Renzi viết trên trang tin e-news của mình rằng toàn bộ các chính đảng, chứ không phải ông, mới có thể quyết định cách thức để giải quyết cuộc khủng hoảng chính phủ của Italy.
Các chính đảng trong Quốc hội phải gánh vác trách nhiệm và đề nghị với Tổng thống liệu họ muốn một cuộc bầu cử sớm hay là ủng hộ một chính phủ mới.
Việc ông Renzi từ chức khiến Italy đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Italy lâm vào tình huống như vậy. Vào năm 2011, việc Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức cũng đã gây nên một tình huống tương tự cho đến khi một Thủ tướng mới được bổ nhiệm chỉ vài ngày sau, đó là ông Mario Monti.
Tổng thống Mattarella trước mắt sẽ phải bắt đầu tìm kiếm một nhân vật khác để thay thế ông Renzi và điều này có thể chỉ mất một thời gian ngắn. Một vị thủ tướng mới có thể sẽ thuộc hàng ngũ đảng Dân chủ (PD) trung tả của ông Renzi, đảng mạnh nhất trong Quốc hội Italy.
Các ứng cử viên tiềm năng là Bộ trưởng Tài chính Carlo Padoan và Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso. Hoặc một nhân vật trung dung hơn cũng có thể được Tổng thống Mattarella lựa chọn để đứng đầu một chính phủ liên minh mở rộng.
Theo lịch trình, Italy sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, các đảng đối lập ở Italy hiện đang gây sức ép đòi tổ chức bầu cử sớm.
Giới phân tích cho rằng bầu cử trước thời hạn ít có khả năng xảy ra, chủ yếu là vì luật bầu cử mới vẫn cần phải được Tòa án Hiến pháp thông qua. Thực tế, để ban hành được luật bầu cử mới có thể phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp chính trị./.