Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Liban Tammam Salam ngày 23/8 dọa sẽ từ chức, đồng thời cảnh báo các đảng phái đối địch nhau trong nội các của ông rằng đất nước đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do tình trạng tê liệt của chính phủ, nguyên nhân chủ chốt khiến nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải hiện nay ở thủ đô Beirut rơi vào bế tắc.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Salam nhấn mạnh nếu khủng hoảng rác thải vẫn tiếp diễn thì Liban sẽ tiến tới sụp đổ và "tất cả các quan chức cùng các lực lượng chính trị phải chịu trách nhiệm về việc này."
Ông cảnh báo nếu cuộc họp nội các vào ngày 27/8 tới không tìm được giải pháp cho các vấn đề, trong đó có việc lựa chọn một công ty xử lý rác thải, thì chính phủ sẽ "không còn cần thiết nữa."
Ông Salam đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh người biểu tình ở Beirut ngày 23/8 tiếp tục xuống đường phản đối chính phủ. Những người biểu tình đã ném gạch đá, chai lọ vào hàng rào cảnh sát chống bạo động tại một con phố dẫn tới tòa nhà chính phủ, buộc lực lượng an ninh phải trấn áp mạnh tay, làm 43 người bị thương.
Trước đó, đêm 22/8, cuộc biểu tình của hàng nghìn người tại trung tâm thủ đô Beirut đã biến thành cuộc xung đột với cảnh sát, khiến ít nhất 35 người bị thương.
Làn sóng biểu tình nhằm phản đối tình trạng rác thải không được thu gom ở khắp thủ đô Beirut từ tháng trước. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng khi rác thải chất đống trong những ngày Hè nắng nóng đỉnh điểm của vùng Trung Đông.
Công ty thu gom rác thải Sukleen đã ngừng hoạt động khi bãi rác Naameh bị đóng cửa do quá tải, trong khi chính quyền không tìm ra được giải pháp khắc phục nào. Đến nay, vẫn chưa có một công ty thu gom nào được chỉ định thay thế, do những bất đồng trong nội bộ chính quyền Liban.
Hàng nghìn người dân đã xuống đường phản đối cuộc khủng hoảng rác, yêu cầu chính phủ phải có biện pháp giải quyết.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Salam đã tê liệt gần như hoàn toàn kể từ khi ông nhậm chức năm ngoái trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng ở Trung Đông, trong đó có cuộc chiến ở quốc gia láng giềng Syria, đã làm trầm trọng thêm những chia rẽ chính trị và phe phái ở Liban.
Chính phủ của ông Salam bao gồm các đảng phái đối địch nhau như Phong trào Tương lai do người Sunni lãnh đạo, phong trào Hezbollah của người Shi'ite và một số nhóm Cơ đốc giáo. Nếu sụp đổ, chính phủ của ông sẽ tiếp tục lãnh đạo với tư cách chính phủ lâm thời.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Salam từ chức sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Ở Liban, tổng thống là người chỉ định thủ tướng, nhưng nước này đã không có tổng thống kể từ khi Tổng thống Michel Sleiman mãn nhiệm hồi tháng 5/2014.
Quốc hội Liban đã nhiều lần không thể nhóm họp để bầu ra người kế nhiệm ông Sleiman bởi không hội đủ số nghị sỹ theo như hiến pháp quy định./.