Trong một nỗ lực nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách "vô điều kiện."
Trả lời phỏng vấn nhật báo Sankei Shimbun ngày 1/5, Thủ tướng Abe nêu rõ: "Tôi muốn gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un một cách vô điều kiện và đối thoại thẳng thắn với ông ấy trên tinh thần cởi mở."
Theo ông, việc chủ động giải quyết vấn đề (Triều Tiên) là điều vô cùng quan trọng với cả Nhật Bản và Triều Tiên. Hai bên sẽ không thể phá vỡ vỏ bọc không tin tưởng lẫn nhau trừ khi lãnh đạo hai nước đối thoại trực tiếp.
[Nhật Bản muốn lập văn phòng giải quyết vấn đề bắt cóc ở Bình Nhưỡng]
Thủ tướng Abe bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đưa ra quyết định mang tính chiến lược và linh hoạt, mang lại lợi ích tốt nhất cho Triều Tiên.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Abe cho biết ông đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên khi hai nhà lãnh đạo này gặp nhau tại Nhà Trắng vào ngày 26/4.
Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp khác với Thủ tướng Abe vào cuối tháng 5, thời điểm ông tới thăm Nhật Bản với cương vị là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên tới thăm Xứ sở Mặt trời mọc và có cuộc gặp với Nhật hoàng Naruhito vừa đăng quang ngày 1/5.
Nhật Bản đã áp đặt một loạt biện pháp đơn phương trừng phạt Triều Tiên kể từ sau các vụ thử tên lửa hồi năm 2006. Tokyo đã mở rộng và gia hạn các trừng phạt này một vài lần, bên cạnh việc thực thi các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việc gia hạn thêm hai năm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng là nhằm thúc đẩy Triều Tiên có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên như cam kết, cũng như giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đều bác bỏ các nỗ lực của Tokyo yêu cầu giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vì cho rằng vấn đề này đã được giải quyết.
Trong khi đó, phía Nhật Bản chính thức lập danh sách 17 công dân bị bắt cóc vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đồng thời nghi ngờ Triều Tiên liên quan đến các trường hợp mất tích khác. 5 trong số 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc đã hồi hương vào năm 2002./.