Thủ tướng Serbia tuyên bố sẽ không bao giờ gia nhập NATO

Thủ tướng Serbia Aleksander Vutych tuyên bố nước này sẽ không bao giờ trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Thủ tướng Aleksandar Vucic. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 24/3, Thủ tướng Serbia Aleksander Vutych tuyên bố nước này sẽ không bao giờ trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

Ông Vutych đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm 18 năm cuộc không kích Nam Tư do NATO thực hiện. Tổng thống Cộng hòa Srpska (thực thể trong Bosnia và Herzegovina) Milorada Dodika cũng tham dự hoạt động tưởng niệm này.

Buổi lễ diễn ra tại hẻm núi Grdelitsa, nơi vào năm 1999, chiếc máy bay ném bom F-15E của NATO đã bắn 4 quả tên lửa trúng vào một đoàn tàu hỏa chở khách. Cho đến nay con số nạn nhân thiệt mạng vẫn chưa được xác định, ngoài 9 thi thể và một số bộ phận của 4 thi thể khác được tìm thấy.

Ông Vutych nói: “NATO muốn tiêu diệt sắc màu Serbia, bắt đất nước phải quỳ gối để không bao giờ có thể hồi sinh. Serbia sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO cũng như của bất kỳ một liên minh nào khác. Sẽ không bao giờ được tái diễn hành động xâm lược như vậy đối với Serbia.”

Thủ tướng Vutych nhắc lại, trong 78 ngày đêm không kích đẫm máu năm 1999, 50.000 quả tên lửa đã được quân đội NATO rải trên 88.000 km2 lãnh thổ Serbia.

Thiệt hại mà Serbia phải hứng chịu ước tính từ 80-100 tỷ USD, song cái mất lớn nhất là gần 1.000 binh sỹ và cảnh sát, hơn 2.000 dân thường, trong đó có 79 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc không kích.

Ngày 24/3/1999, NATO đã bắt đầu chiến dịch không kích Nam Tư cũ với lý do “ngăn chặn thảm họa diện chủng người Albania tại Kosovo.”

Hơn 1.000 máy bay chiến đấu đã được huy động. Theo số liệu trên trang web của NATO, trong 78 ngày đêm chiến dịch Không quân NATO đã thực hiện 38.000 chuyến cất cánh chiến đấu, với hơn 10.000 trong số đó có nhiệm vụ không kích.

Theo số liệu của Serbia, chiến dịch không kích này đã phá hủy hoàn toàn hạ tầng công nghiệp quân sự, hơn 1.500 điểm dân cư, 60 cây cầu, 30% trường học, gần 100 tượng đài. Ngoài ra, các cuộc ném bom vào nhà máy lọc dầu và hóa dầu còn làm hệ thống cấp nước của Serbia bị nhiễm độc nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục