Thủ tướng Thái Lan: ASEAN cần tạo cân bằng an ninh trong khu vực

Tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi ASEAN phát huy vai trò tạo cân bằng an ninh khu vực.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tối ngày 3/6, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phát huy vai trò trong việc tạo sự cân bằng an ninh của khu vực.

Trong bài phát biểu kéo dài 30 phút mở màn cho diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhà lãnh đạo Thái Lan nhấn mạnh rằng cấu trúc an ninh khu vực đang "thiếu sự cân bằng thích hợp" và Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo ra trạng thái đa cực, không có những luật định rõ nét làm gia tăng bất ổn.

Thủ tướng Thái Lan đã đề cập đến nhiều thách thức với an ninh toàn cầu, gồm các mối đe doạ truyền thống như tranh chấp ở Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên, phi truyền thống như xung đột xã hội, kinh tế, thách thức với dân chủ hoá, quản trị kém, năng lượng, thiên tai, an ninh lương thực, khủng bố quốc tế, buôn lậu ma tuý, biến đổi khí hậu, khói mù độc hại, tội phạm mạng, đánh bắt cá trái phép, buôn người, di cư trái phép và dân số đang già đi.

Để giải quyết những thách thức này, Thủ tướng Thái Lan cho rằng các quốc gia cần tăng cường đối thoại để nâng cao hiểu biết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cũng như đem đến cơ hội và sự hỗ trợ đối với các quốc gia gặp vấn đề trong nước. Ông nói: "Nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài để giải quyết vấn đề đối nội, tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh của các nước khác. Chúng ta cần tìm thế cân bằng càng sớm càng tốt."

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Thái Lan cho rằng ASEAN có vai trò quan trọng trong việc thiết lập thế cân bằng mới trong khu vực, cũng như giá trị của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Liên quan đến vấn đề an ninh ở Biển Đông, Thủ tướng Prayuth hối thúc các nước tranh chấp lãnh thổ chọn hợp tác thay vì đối đầu đồng thời cho rằng tất cả các bên cần tham gia hoạt động chung, mang tính xây dựng... để tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản.

Đặc biệt, theo Thủ tướng Thái Lan, ASEAN cần thống nhất về vấn đề Biển Đông vì hoà bình và ổn định ở khu vực hàng hải này đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tự do đi lại trên biển và trên không, ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Nhà lãnh đạo Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sẽ tạo ra môi trường có lợi cho việc giải quyết vấn đề và Thái Lan ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Thái Lan kêu gọi khôi phục thảo luận 6 bên để tránh việc tiếp tục cô lập Bình Nhưỡng và giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đồng thời đề nghị các quốc gia trong khu vực cần nhanh chóng xử lý mối đe dọa khủng bố thông qua hợp tác nhằm ngăn nó lan rộng.

Bắt đầu từ ngày mai và kéo dài cho đến ngày 5/6, các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La sẽ tập trung thảo luận tại năm phiên thảo luận toàn thể và sáu phiên đặc biệt về những thách thức liên quan đến tình hình an ninh khu vực, kiểm soát cạnh tranh quân sự ở châu Á, việc thiết lập chính sách quốc phòng trong các giai đoạn và thời điểm bất định cũng như thách thức trong việc giải quyết xung đột và theo đuổi mục tiêu an ninh chung.

Diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay liên quan đến việc kiểm soát tình hình căng thẳng trên Biển Đông, tăng cường hợp tác chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Á hay nhận dạng các mối đe dọa về an ninh mạng mới, tình hình phức tạp ở bán đảo Triều Tiên, hay các vấn đề về công nghệ quân sự, thách thức an ninh liên quan đến việc di cư.

So với năm trước, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 15), nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, với số lượng đại biểu cao kỷ lục từ trc đến nay, gần 600 người; trong đó có các quan chức quốc phòng từ hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực cùng đông đảo giới học giả quốc tế.

Đây cũng là lần đầu tiên đoàn Việt Nam có số lượng đại biểu nhiều nhất, gấp đôi năm 2015 do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.

Tham dự đoàn Việt Nam còn có Phó Tổng Tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn.

Ngoài bài phát biểu quan trọng của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại phiên họp toàn thể thứ 4 liên quan đến những thách thức trong việc giải quyết xung đột, đoàn Việt Nam cũng sẽ có bài phát biểu tại phiên họp đặc biệt về Biển Đông cũng như các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác trong khu vực.

Kể từ năm 2002 đến nay, "thương hiệu" Đối thoại Shangri-La của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh đã trở thành diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là cơ hội để các quốc gia bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề an ninh trong khu vực cũng như đưa ra những đánh giá thống thất để trên nền tảng đó định hình cho các khuôn khổ hợp tác trong thời gian tới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục