Thủ tướng Thái Lan đề xuất các lĩnh vực cho hợp tác Á-Âu

Ba lĩnh vực hợp tác Thái Lan đề xuất bao gồm quá trình hồi phục cần phải được cân bằng, nỗ lực hồi phục phải tận dụng triệt để công nghệ số và nỗ lực hồi phục phải tập trung vào tăng cường kết nối.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Nguồn: bangkokpost)

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh rằng Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á đối thoại nhằm tìm ra những giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu hiện nay như COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của Hội nghị trực tuyến ASEM 13 ngày 26/11, Thủ tướng Prayut cho rằng những vấn đề toàn cầu nói trên tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải “củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung," vì không quốc gia nào có thể tự giải quyết những thách thức này.

Điều quan trọng nhất là biến chủ nghĩa đa phương thành hợp tác hữu hình trong thế giới hậu COVID-19 nhằm tăng cường an ninh con người vì lợi ích của hơn 4 tỷ người ở hai khu vực.

Tại phiên họp, Thủ tướng Prayut đại diện cho Thái Lan đề xuất các lĩnh vực hợp tác giữa châu Á và châu Âu trong kỷ nguyên bình thường tiếp theo nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy bùng phát trở lại.

[Thủ tướng nêu bốn đề xuất tăng cường hợp tác giữa các nước Á-Âu]

Ba lĩnh vực hợp tác mà người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đề xuất bao gồm quá trình hồi phục cần phải được cân bằng, nỗ lực hồi phục phải tận dụng triệt để công nghệ số và nỗ lực hồi phục phải tập trung vào tăng cường kết nối.

Trước đó, phát biểu trên cương vị Điều phối viên ASEAN giai đoạn 2021-2022 tại phiên khai mạc ASEM 13 chiều 25/11, Thủ tướng Prayut đã bày tỏ tin tưởng rằng chủ nghĩa đa phương là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng toàn cầu, cho rằng hợp tác đa phương cần hữu hình trên cơ sở chia sẻ lợi ích giữa các nước thành viên.

Ông Prayut cũng đề xuất nguyên tắc “5P” là người dân, đối tác, hòa bình, thịnh vượng và Trái đất phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) năm 2030 mà ASEM cần coi trọng.

Thái Lan là một trong những thành viên sáng lập của ASEM và là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ nhất (ASEM 1) vào năm 1996./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục