Thủ tướng yêu cầu triển khai công tác pháp luật, khoa học-công nghệ

Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; khoa học và công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; khoa học và công nghệ.

Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đối với việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình năm 2018, các quy định về xây dựng nội dung, đánh giá tác động, lấy ý kiến về chính sách; phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015.

Các bộ, ngành dành thời gian thảo luận trong tập thể lãnh đạo bộ, cơ quan, nâng cao chất lượng xem xét, quyết định về các chính sách lớn, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, hồ sơ từng dự án luật trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bảo đảm đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, nguồn lực thực hiện.

Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ.

Các cơ quan nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề nghị, dự án, dự thảo; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, soạn thảo, chỉnh lý, trình dự án luật, pháp lệnh, hạn chế việc lùi thời hạn trình, rút dự án ra khỏi Chương trình.

Phổ biến bằng nhiều hình thức sinh động

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú và thiết thực; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

[Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp]

Các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận pháp chế, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo văn bản pháp luật; quan tâm lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường khoa học, công nghệ; ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tăng cường kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; bảo đảm hài hòa giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; nâng cao hiệu quả chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học, công nghệ, thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài; quan tâm phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Các cơ quan bảo đảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm cho khoa học, công nghệ; tiếp tục huy động nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, nguồn lực xã hội để đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao; khẩn trương xây dựng Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục