Thúc đẩy triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng thực tiễn phát triển kinh tế ở không ít quốc gia cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống với mục tiêu tăng trưởng nhanh đã dần bộc lộ những khiếm khuyết của nó khi vấn đề nghèo đói, không phải luôn được cải thiện, bất chấp nền kinh tế có tăng trưởng. Bất bình đẳng về thu nhập ngày càng gia tăng có thể dẫn tới một bộ phận người dân bị đặt ra ngoài lề của sự phát triển chung và là nhân tố dẫn tới bất ổn về chính trị, xã hội.

Vì vậy, theo theo Phó Thống đốc, việc ban hành và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là một bước tiến quan trọng, vừa tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời hướng tới mục tiêu toàn diện hơn, mở rộng hơn cho toàn nền kinh tế. Để trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ ‘được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững’.

[Thủ tướng phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia]

Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng vào chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Đặc biệt, thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu. Qua đó, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững.

Trải qua nhiều thập kỷ, tài chính toàn diện đã trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới. Đến nay, hơn 60 quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Nhiều quốc gia đã đưa ra các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tập trung vào việc giảm chi phí, nâng cao tính an toàn và thuận tiện của các dịch vụ tài chính.  

Tại Việt Nam, các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… đã cho thấy một trong những mục tiêu tiên quyết của Chính phủ Việt Nam là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản.

Agribank là một trong những ngân hàng luôn chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợ khả năng tiếp cận, nhu cầu, đặc điểm giá trị giao dịch nhỏ lẻ cho đối tượng khách hàng khu vực nông thôn. Qua đó, đã đạt được kết quả tích cực góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn tại Agribank duy trì mức xấp xỉ 70% tổng dư nợ cho vay, chiếm trên 50% thị phần trong nước.

Ông Nguyễn Hải Long-Phó Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh: “Trong thời gian tới Agribank sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho đối tượng mục tiêu tài chính toàn diện tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước.”

Còn ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết người dân có thể dùng điện thoại di động để mở tài khoản ngân hàng.

Ông Dũng cho biết dự kiến trong tháng này Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư về mở tài khoản điện tử (eKYC).

Với eKYC, người dân có thể dùng điện thoại di động để mở tài khoản. Nếu như khách hàng mở tài khoản tại quầy thì không có giới hạn giá trị giao dịch còn mở tài khoản ekyc thì giới hạn giao dịch sẽ là 200 triệu đồng/tháng.

“Nhiều người vẫn nói phải tăng số tài khoản ngân hàng nhưng vẫn bắt khách hàng đến quầy, vẫn phải có chữ ký tươi thì làm sao tăng được tài khoản. Khi người dân không có tài khoản ngân hàng thì không thể sử dụng dịch vụ sản phẩm của ngân hàng được. Do đó, việc người dân mở tài khoản bằng điện thoại di động cần phải được thúc đẩy sớm,” ông Dũng chia sẻ.

Ngoài mở tài khoản ngân hàng bằng điện thoại di động, khách hàng cũng có thể mở bằng phương thức video call với ngân hàng.

Một điểm quan trọng dự kiến sẽ được nêu trong thông tư, ông Dũng nhấn mạnh đó là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khi mở tài khoản eKYC cho khách hàng thì các ngân hàng phải kiểm tra số điện thoại giao dịch bằng eKYC, chứng minh thư để đảm bảo không có việc người này mở tài khoản nhưng người khác lại giao dịch./.

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 24/7/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Kế hoạch hành động là căn cứ để các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị. Đây cũng là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục