Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 1/7 cho biết: Các hoạt động văn hóa với chủ đề “Hương vị mùa Hè” sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 1-31/7.
Trong tháng sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn phù hợp với chủ đề "Hương vị mùa Hè," tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ thông qua hoạt động gần gũi, thân quen, gắn bó mật thiết với đời sống.
Qua đó, đề cao vai trò trách nhiệm của các bạn trẻ với cộng đồng; đồng thời giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Trong tháng 7/2019, Ban tổ chức tiếp tục thực hiện chương trình “Ngày Hè của em” với phần trưng bày, giới thiệu các hoạt động dành cho trẻ thơ, một số trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, làm diều… Ngoài ra còn có phần trình diễn, trưng bày, giới thiệu nhạc cụ truyền thống.
Các em được trải nghiệm và học thử các nhạc cụ của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là một số các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số như: ném pao, đánh cù của dân tộc Mông; đẩy gậy của dân tộc Mường; tó má lẹ của dân tộc Thái; ném vòng của dân tộc Cơ Tu; đi cà kheo, thả diều…
Các em cũng được hướng dẫn tái chế vỏ chai nhựa thành các vật dụng hữu ích để tham gia cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn,” góp phần hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống.
[Bảo tồn văn hóa người Dao gắn với du lịch cộng đồng ở Ba Chẽ]
Tại các khu làng của đồng bào các dân tộc diễn ra hoạt động theo chuyên đề “Nét đẹp dân gian qua nghề dệt truyền thống.”
Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống.
Cùng với sự khéo léo chăm chỉ của các nghệ nhân, đồng bào đã tạo nên những vẻ đẹp, sắc màu riêng, không gian trải nghiệm cho du khách khi đến Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hơn hết, đó còn là môi trường để các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn nghề phát huy tri thức bản địa của các nhóm nghệ nhân.
Từng làng dân tộc có nghề dệt truyền thống thực hiện việc rà soát, củng cố không gian giới thiệu, thao tác, thực hành nghề và sản phẩm, giới thiệu ý nghĩa hoa văn, họa tiết, màu sắc, chất liệu… gắn với trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trong đó đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mường, dân tộc Khơ Mú bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống; dân tộc Mông với nghề se lanh dệt vải; dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; dân tộc Ê Đê, dân tộc Ba Na - nghề dệt truyền thống vùng Tây Nguyên.
Nghề truyền thống là tri thức bản địa của đồng bào các dân tộc, việc bảo tồn nghề cũng chính là bảo tồn tri thức bản địa, bảo tồn kỹ năng sống và các giá trị văn hóa độc đáo của từng dân tộc.
Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống đều chứa đựng những câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào...
Bảo tồn nghề truyền thống chính là cách thiết thực để cộng đồng bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian quý giá của từng dân tộc và đất nước./.