Tiến sỹ Hosoda: Trung Quốc sử dụng tư liệu không có tính pháp lý

Tiến sỹ Hosoda cho rằng Trung Quốc luôn sử dụng các tư liệu không có tính pháp lý từ xa xưa và dựa vào các tác phẩm văn học mà không căn cứ vào việc thực thi chủ quyền trong thực tế.
Tiến sỹ Takashi Hosoda trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Ngày 21/1, Phóng viên TTXVN tại Prague đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Takashi Hosoda, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc) về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, trong đó có các tuyến hàng hải quan trọng đi qua Biển Đông.

Tiến sỹ Takashi Hosoda cho rằng có ba vấn đề quan trọng khi đề cập đến vấn đề này: Thứ nhất, đảm bảo an ninh, an toàn các tuyến hàng hải đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà còn đối với cả thế giới do đây là “những chuẩn mực chung,” không ai có thể gây bất ổn hoặc cản trở. Thứ hai, các tuyến đường biển ổn định là cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, cần phải xem xét tầm quan trọng của các tuyến đường biển không chỉ từ góc độ đơn thuần mà còn phải đặt trong bối cảnh của cả khu vực.

Điều này có nghĩa là các tuyến đường biển muốn ổn định phải có sự ổn định của cả khu vực để có thể tiến hành các hoạt động đánh bắt hải sản một cách an toàn.

Về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến sỹ Hosoda cho rằng Bắc Kinh luôn sử dụng các tư liệu không có tính pháp lý từ xa xưa và dựa vào các tác phẩm văn học mà không căn cứ vào việc thực thi chủ quyền trong thực tế.

Các tuyên bố này là vô lý, thách thức nghiêm trọng hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại và các chuẩn mực quốc tế về tuyên bố chủ quyền.

 ​

Tiến sỹ Hosoda nhận định việc Trung Quốc tiến hành tôn tạo hay mở rộng diện tích xây dựng đảo ở Biển Đông và các cơ sở quân sự, tiến hành bay thử nghiệm trên các đảo này đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ông cho rằng để đảm bảo an ninh trên Biển Đông, các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Australia, Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hải quân với các nước trong khu vực có năng lực còn tương đối hạn chế, trong khi Nhật Bản có thể trợ giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển thông qua viện trợ tàu tuần tra, hỗ trợ đào tạo nhân lực.

 ​

Về biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tiến sỹ Hosoda khẳng định tất cả các quốc gia liên quan trong khu vực đều cần đảm bảo môi trường an ninh ổn định để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Giải pháp duy nhất là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình không chỉ thông qua cơ chế song phương mà cả các cơ chế đa phương như ASEAN hay Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục