Triều Tiên hiếm khi công bố điều gì tốt đẹp. Song, trong tuần này, thế giới đã được bù đắp với một ngoại lệ: Trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (9/9/1948-9/9/2018), chế độ này đã quyết định không phô trương tên lửa tầm xa hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể mang vũ khí hạt nhân bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo bài viết trên trang mạng thehill.com, đó là một dấu hiệu lớn không nên bị bỏ qua. Và đó cùng là thắng lợi tiềm tàng đối với cách tiếp cận ngoại giao của Mỹ và Hàn Quốc hướng đến một quốc gia cô lập với thế giới bên ngoài như Triều Tiên.
Mặc dù thế giới không nên cường điệu sự phát triển này, song có những điểm quan trọng có thể nhận thấy trong khi cân nhắc cách tiếp cận hợp lý để có thể tạo ra những bước đột phá lớn.
Ngay tại nước Mỹ, mỗi một thống đốc bang đều phải chịu áp lực liên tiếp trong việc tạo ra sức mạnh, thể hiện nguyên tắc cơ bản của những người ủng hộ đối với sự lãnh đạo mà ông/bà thống đốc đang nắm giữ và sẵn sàng đối phó với kẻ thù của quốc gia.
Tương tự như vậy, áp dụng với Triều Tiên: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắn hẳn bị chịu nhiều áp lực từ phía các quan chức quân sự cấp cao và quan chức chính phủ để thể hiện sức mạnh của Bình Nhưỡng tại thời điểm mà chế độ cộng sản này bị đặt dưới áp lực cực kỳ to lớn, đó là những hợp đồng kinh tế sụt giảm mạnh nhất trong vòng 20 năm qua do tác động từ lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc.
Không có gì thể hiện quyền lực, sức mạnh của lực lượng vũ trang và sự khiêu chiến như tên lửa tầm xa Hwasong-15, mà có thể, ít nhất là về mặt lý thuyết, có khả năng tấn công vào bất cứ vùng nào ở Mỹ với vũ khí hạt nhân, khiến hàng triệu người thiệt mạng.
[Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ lạc quan về kết quả thượng đỉnh liên Triều]
Tuy nhiên, ông Kim đã thể hiện sự kiềm chế. Ông đã cam kết với Mỹ và Hàn Quốc rằng ông sẽ thực sự nghiêm túc hơn trong vấn đề phi hạt nhân hóa, điều mà một vài người đã đặt niềm tin vào ông.
Trước đây, thời điểm mà Nhà lãnh đạo Kim tiến hành thử ICBM lần đầu tiên vào ngày 4/7/2017, không ít lần sau đó ông gọi đó là “món quà” cho nước Mỹ.
Trên thực tế, chỉ tuần trước, ông Kim đã nói với đoàn quan chức Hàn Quốc rằng ông sẽ sẵn sàng phi hạt nhân hóa vào cuối nhiệm kỳ đầu của Trump, hoặc vào đầu năm 2021.
Đó là dấu hiệu cho thấy ông Kim muốn tiếp tục giảm căng thẳng, vốn đang được duy trì trên bán đảo Triều Tiên và rằng có hy vọng vào sự tiến triển trong những tháng tới.
Trong vài tuần tới, Triều Tiên có thể sẽ công bố nhiều tin tốt lành hơn. Với chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh 3 ngày, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay, có một cơ hội để tiếp tục đạt được tiến bộ cùng với tiến trình ngoại giao.
Cả hai bên dường như dốc sức cho việc “hâm nóng” mối quan hệ, đồng thời tìm cách kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên một lần và cho tất cả các bên, điều mà cả hai miền Triều Tiên đều cam kết thực thi vào cuối năm nay.
Đây là sáng kiến mà chính quyền Tổng thống Trump nên nắm bắt. Trước khi Tổng thống Moon đặt chân đến Bình Nhưỡng, điểm cơ bản trong hội nghị thượng đỉnh nên được làm sáng tỏ để có thể tạo bước đột phá, với việc Mỹ và Hàn Quốc cùng đưa ra một tuyên bố hòa bình để kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, đổi lại Kim giải thích rõ ràng về phi vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.
Washington và Seoul không cần phải xác định các địa điểm đặt các vũ khí đó- Kim có thể nhận thấy đó là việc của tương lai- song việc lý giải có thể sẽ là một tiến trình dài để thế giới biết sẽ cần phải áp đặt tài chính như thế nào và thời điểm nào phù hợp để phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Chỉ có cách tiếp cận từng bước như vậy, với việc mỗi bên cùng lúc đưa ra những nhượng bộ, mới có thể mang lại hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu Kim chấp nhận một đề xuất như vậy thì thời điểm tuyệt vời nhất đối với cả Kim và Moon là cùng đến New York- nơi mà trong tháng này sẽ diễn ra phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc và các lãnh đạo thế giới gặp mặt thường niên- và tại đó cuộc chiến giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt. Đây là một gợi ý tốt.
Các lãnh đạo không chỉ của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, mà còn của Trung Quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc có thể sẽ cùng ký vào tuyên bố, khiến nó có một ý nghĩa thực sự về mặt pháp lý và dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế.
Từ quan điểm đó, có thể sẽ có một khuôn mẫu thực sự trong việc làm thế nào để kiểm soát mối quan hệ với Triều Tiên, trong đó tất cả các bên đều đưa ra nhượng bộ cùng lúc để không bên nào cảm thấy bị mất mặt hoặc phải chịu áp lực trong việc đưa ra nhượng bộ ban đầu.
Bước hợp lý tiếp theo có thể chứng kiến cả hai bên cùng tiến hành việc loại bỏ có giám sát những vũ khí thông thường trong Khu phi quân sự, khu vực biên giới được trang bị vũ khí hạng nặng nhất thế giới, điều mà Triều Tiên được cho là sẵn sàng thực thi.
Trên thực tế, điều đó có thể tạo nên một cách khác để xây dựng lòng tin trong khi giảm bớt mối đe dọa quân sự tiềm tàng về những điều mà cả hai bên đều có lý do để lo lắng.
Chẳng có gì phải nghi ngờ là chúng ta còn cách hòa bình và thịnh vượng thực sự trên bán đảo Triều Tiên cả một quãng đường dài. Chúng ta đều biết có vô số những ví dụ cho thấy chế độ Kim thường không giữ lời, nhưng ngày nay chúng ta có nhiều lý do hơn để hy vọng vào một con đường “tiềm năng” mà ở đó căng thẳng được giảm thiểu đáng kể và có thể là việc phi hạt nhân hóa toàn diện trong tương lai. Như Tổng thống Trump đã nói, “Chúng ta sẽ chờ xem”./.