Tiến vào khu vực Tây Balkan - chìa khóa vạn năng của EU

Một nhà ngoại giao cho rằng việc tiến vào khu vực Tây Balkan và xử lý vấn đề biến đổi khí hậu là những bước đi mạnh mẽ nhất mà Liên minh châu Âu (EU) có thể làm để duy trì trật tự tại châu Âu.
(Nguồn: politico.eu)

Trang mạng euobserver.com đưa tin Robert Cooper, một nhà ngoại giao người Anh đã về hưu nhận định việc tiến vào khu vực Tây Balkan và xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, qua đó làm mất các nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga, là những bước đi mạnh mẽ nhất mà Liên minh châu Âu (EU) có thể làm để duy trì trật tự tại châu Âu.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng phương Tây cũng cần xử lý những “con quỷ” của riêng mình, chẳng hạn như chủ nghĩa dân túy-dân tộc ở Hungary và Ba Lan, để có được ảnh hưởng địa chính trị.

Ông nói với EUobserver trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: “Hành động chiến lược quan trọng nhất mà EU đã làm là mở rộng liên minh này năm 2004. Điều quan trọng nhất mà khối nên làm vào lúc này là nghiêm túc cân nhắc việc mở rộng một lần nữa ở Tây Balkan.”

10 nước chiếm phần lớn các quốc gia nằm ở phía Đông Bức màn sắt cũ đã gia nhập EU vào năm 2004. Sau đó, Bulgaria, Romania, và tiếp đến là Croatia cũng đã gia nhập khối này.

Thời điểm đó, Cooper là trợ lý cho Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Javier Solana.

[Châu Âu trong một thế giới chính trị quyền lực]

Nhìn lại những gì mà 17 năm thống nhất sau Chiến tranh Lạnh đã mang lại cho châu Âu, nhà ngoại giao 73 tuổi này nói: “Mặc dù EU chưa bao giờ trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh theo nghĩa truyền thống, song khối có thể là một 'Ordnungsmacht' (thuật ngữ tiếng Đức có nghĩa là một thế lực tạo ra trật tự). EU là một thế lực vĩ đại theo nghĩa nó đã tái tổ chức châu Âu. Tôi coi EU là một thế lực văn minh - đó là lý do vì sao việc mở rộng khối là sự đóng góp lớn nhất mà EU có thể làm cho trật tự tự do phương Tây.”

Phát biểu của ông Cooper được đưa ra trong bối cảnh tiến trình mở rộng của EU đang tạm dừng.

Đan Mạch, Pháp và Hà Lan đang cản trở Kosovo được miễn thị thực đi lại mặc dù Pristina đã đáp ứng đủ tất cả mọi điều kiện.

Bulgaria cũng đã phủ quyết tiến trình đàm phán cho Bắc Macedonia gia nhập EU dù Skopje đã đáp ứng các yêu cầu của khối.

Đối thoại Kosovo-Serbia mà Cooper đã góp phần xúc tiến cũng bị đình trệ và Serbia dưới thời Tổng thống dân túy Aleksandar Vučić đang ngày càng trở nên “phi châu Âu” một cách đáng sợ.

Tuy nhiên, theo Cooper, con đường duy nhất để kiến tạo hòa bình giữa Belgrade và Pristina, và để giải quyết những bất đồng khác ở biên giới các nước Balkan, chính là đưa tất cả họ vào EU.

Ông nói: “Mở rộng khối thực sự là giải pháp duy nhất để tất cả những xung đột ở Balkan chấm dứt. Một khi bạn sống trong một thế giới không có các đường biên giới (như EU) thì còn cần gì đến một Serbia rộng hơn nữa, cần gì một Albania lơn hơn nữa? Tất cả các vấn đề này đều sẽ không còn tồn tại.”

Cooper nhấn mạnh rằng Vučić có thể đưa Serbia quay trở lại chế độ dân chủ nếu ông tin rằng tư cách thành viên EU thực sự khả thi với Serbia và “nếu như ông ấy hy vọng được ghi nhớ như một người đã phục vụ tốt cho đất nước mình.”

Trong khi đó, Cooper cho rằng tân Thủ tướng Kosovo Albin Kurti là một “chính trị gia rất thông minh.”

Ngoài ra, Cooper nói thêm rằng một hành động chung của phương Tây với Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có thể thúc đẩy mọi việc tiến triển. Ông bày tỏ “rất kỳ vọng vào Biden.”

Nhìn lại các cuộc đàm phán giữa Kosovo và Serbia do Ashton làm trung gian, Cooper nói thực tế rằng luôn có một quan chức Mỹ “rất được tôn trọng” trong phòng đàm phán khi các lãnh đạo Kosovo và Serbia gặp nhau đã mang lại sức nặng cho cuộc đối thoại của EU, mặc dù đại diện của Mỹ “không bao giờ xuất hiện” trước công chúng. Thế nhưng điều này đã chấm dứt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thế giới rộng hơn

Nhìn rộng ra khỏi Tây Balkan, EU cũng đã nỗ lực để trở thành một Ordnungsmacht với Nga bằng cách áp đặt những lệnh trừng phạt xung quanh việc Nga sáp nhập Ukraine và đầu độc lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.

Châu Âu cũng đã liệt vào danh sách đen các quan chức Trung Quốc vì đã ngược đãi cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Tuy nhiên, với Cooper - người vừa xuất bản một cuốn sách về lịch sử ngành ngoại giao - EU đang tự chế giễu bản thân nếu cho rằng những điều này có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin hay đảng Cộng sản Trung Quốc nghĩ lại.

Ông nói: “Các lệnh trừng phạt của EU liên quan đến vụ Navalny sẽ không thay đổi được Nga... cách làm này sẽ không hiệu quả. Thật ngốc khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thay đổi quy tắc nội bộ của họ (với người Duy Ngô Nhĩ) chỉ vì chúng ta không thích như thế.”

Ông cho biết Anh đã kiện Trung Quốc về việc nước này đàn áp Hong Kong bởi Trung Quốc có tham gia một hiệp ước quốc tế về các quyền của Hong Kong. Và các lệnh trừng phạt có thể là biện pháp cuối cùng nếu Nga lại xâm lược Ukraine hay Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Tuy nhiên, một hành động chiến lược hơn với Nga là dừng đốt các nhiên liệu hóa thạch của họ bằng cách thực thi cam kết cắt giảm phát thải khí CO2 một cách sâu rộng.

Ông nói: “Tôi luôn cho rằng hy vọng lớn nhất trong vấn đề với Nga là sự biến đổi khí hậu. Tất cả chúng ta sẽ tiến tới dừng sử dụng khí đốt và dầu mỏ và nếu may mắn thì điều đó sẽ buộc Nga phải bắt đầu trở thành không chỉ một thị trường tự do, không phải một Saudi Arabia với các tên lửa hạt nhân, điều sẽ khiến họ có các hoạt động chính trị như Saudi Arabia.”

Tuy nhiên, “thật đáng tiếc, Điện Kremlin sẽ chỉ thay đổi chính sách ngoại giao của họ khi lãnh đạo của họ chết đi,” ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, bất kỳ hy vọng nào về việc xuất khẩu một trật tự kiểu EU sang Nga hay thậm chí là sang Trung Quốc về lâu dài vẫn còn là một thách thức còn lớn hơn nữa.

“Cuộc thi sắc đẹp”

Theo ông, đó chính là sự thiết lập một nền dân chủ thành công mà người ta vẫn luôn nỗ lực, giống như cách mà phương Tây đã nổi lên như một hình mẫu cuốn hút trong Chiến tranh Lạnh.

Cooper nói: “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc vì Liên Xô về cơ bản đã nhận ra rằng mô hình đó không còn hiệu quả. Hiện nay, Nga có dầu, còn Trung Quốc đang vận hành một chế độ chuyên quyền khá hiệu quả, nhưng tôi tin là những điều này sẽ không tồn tại mãi. Nga đang trở thành một nền dân chủ tự do bởi theo thời gian, thực tế cho thấy một nền dân chủ tự do rõ ràng hiệu quả hơn chế độ chuyên quyền. Trung Quốc cũng có thể học tập từ hình mẫu tốt đẹp của EU.”

Tuy nhiên, Cooper nói thêm rằng “chúng ta không thể hiện được nhiều về hình mẫu đó trong thời điểm này,” đồng thời đề cập đến tình trạng các chuẩn mực dân chủ đang dần sụp đổ tại Trung Âu, và xa hơn ở phía Tây.

Ông kết luận rằng “cách thức duy nhất chúng ta có thể làm để thay đổi Nga và Trung Quốc là làm cho các nền dân chủ của chúng ta hoạt động tốt hơn. Chừng nào chúng ta còn có những thứ như Trump hay Brexit, và cả Ba Lan hay Hungary, thì rất khó để nói rằng dân chủ là tuyệt vời nhất”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục