Tiết lộ dự thảo hiệp ước mới của WHO về ứng phó với các đại dịch

Mục tiêu hiệp ước mới của WHO là nhằm ngăn chặn tác động nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu trong tương lai giống như đại dịch COVID-19
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Royal Papworth, Anh. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiến hành đàm phán xây dựng một hiệp ước quốc tế mới liên quan tới cách thức ứng phó với các đại dịch trong tương lai, với mục tiêu là đến tháng 5/2024, thỏa thuận mang tính pháp lý này sẽ được 194 nước thành viên WHO thông qua.

Hiệp ước mới này là ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của ông.

Mục tiêu của hiệp ước này là nhằm ngăn chặn tác động nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu trong tương lai giống như đại dịch COVID-19, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh của các nước trên thế giới.

Trong số các đề xuất cho hiệp ước mới có đề xuất chia sẻ dữ liệu và giải trình bộ gene các virus đang xuất hiện, quy định về phân bổ vaccine công bằng.

[Nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 quay trở lại các nước châu Âu]

Theo dự thảo hiệp ước mới của WHO mà hãng tin Reuters có được, các hãng dược phẩm có thể buộc phải tiết lộ giá cả và các thỏa thuận đạt được cho bất kỳ sản phẩm phòng chống các đại dịch toàn cầu trong tương lai.

Chi tiêu chính phủ dành cho việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị sẽ được làm minh bạch hơn và bao gồm các điều khoản nhằm đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm y tế nào đều được phân phối đồng đều trên toàn thế giới.

Dự thảo hiệp ước cũng đề xuất một cơ chế bình duyệt để đánh giá mức độ ứng phó với đại dịch và mức độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi nước thành viên WHO; tăng kinh phí trong nước cho hoạt động phòng ngừa và ứng phó với đại dịch; tạo thuận lợi cho hoạt động tiếp cận để WHO tiến hành điều tra nguồn gốc bùng phát dịch...

WHO hiện đã có các quy định mang tính ràng buộc gọi là Các quy định y tế quốc tế (năm 2005), trong đó đề ra trách nhiệm của các nước thành viên khi một dịch bệnh có thể lây lan sang các nước khác; khuyến nghị WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, cũng như các biện pháp về thương mại và đi lại.

Các quy định này đã được thông qua sau khi thế giới trải qua đại dịch SARS vào năm 2002-2003, và đến nay vẫn là các quy định thiết thực khi xảy ra các đại dịch trong khu vực như dịch Ebola.

Tuy nhiên, WHO cho rằng các quy định này vẫn chưa đủ để ứng phó với đại dịch quy mô toàn cầu. Do vậy, một hiệp ước mới ứng phó với các đại dịch trên quy mô toàn cầu trong tương lai là rất cần thiết.

WHO đã bắt đầu các cuộc đàm phán về hiệp ước mới hồi tháng 2 và đạt được bước tiến quan trọng vào tháng 7 vừa qua, khi các nước thành viên WHO nhất trí hiệp ước mới này phải mang tính ràng buộc pháp lý.

Dự kiến, các nước thành viên WHO sẽ đưa ra phản hồi ban đầu đối với dự thảo hiệp ước này trong cuộc họp vào ngày 5-7/12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục