Tiêu điểm trong ngày: Pháp với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Pháp đang khẳng định vai trò tại cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực mà Paris có sự gắn bó chặt chẽ với nhiều hải đảo cùng lực lượng vài nghìn quân nhân bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của Pháp.
Tổng thống Emmanuel Macron tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ở Sydney. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Australia kết thúc ngày 3/5 được đánh dấu bằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi thành lập một liên minh chiến lược ba bên mới giữa Pháp, Australia và Ấn Độ nhằm đối phó với các thách thức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Macron nhấn mạnh: “Trục Paris-Delhi-Canberra đóng vai trò chìa khóa trong khu vực và các mục tiêu chung của chúng ta tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Tiếp sau chuyến công du của Tổng thống Pháp tới Ấn Độ hồi tháng Ba vừa qua, động thái này Pháp là một dấu hiệu mạnh mẽ nữa cho thấy Pháp đang khẳng định vai trò tại cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực mà Paris có sự gắn bó chặt chẽ với nhiều hải đảo cùng với lực lượng vài nghìn quân nhân bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của Pháp.

Khái niệm “Trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mới mà Tổng thống Pháp Macron khởi xướng dựa trên cam kết đảm bảo an ninh, tự do đi lại và thị trường tự do tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời bảo vệ chủ quyền chung. Khẳng định khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của thế giới, nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ ông muốn tạo ra một “trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hùng mạnh để xây dựng các lợi ích kinh tế và các lợi ích an ninh.”

[Tổng thống Macron kêu gọi lập liên minh Pháp-Ấn Độ-Australia]

Với tư cách là ba cường quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quan hệ đối tác giữa bộ ba Australia-Pháp-Ấn Độ trong một liên minh chiến lược sẽ giữ “vai trò trung tâm” trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Theo nhận định của ông Macron, trước hết, liên minh chiến lược này sẽ giúp duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực, qua đó thúc đẩy một trật tự hòa bình, ổn định và dựa trên luật lệ.

Chính sự hiện diện về lãnh thổ Pháp tại Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là cơ sở để Pháp thúc đẩy chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của riêng mình. Pháp có các vùng lãnh thổ hải ngoại trải dọc khu vực này, như các đảo Reunion và Mayotte tại Ấn Độ Dương, các đảo Noumea, Wallis, Futuna và Polynesia tại Thái Bình Dương. Pháp cũng có căn cứ quân sự tại New Caledonia, Polynesia và đảo Reunion. Riêng tại Ấn Độ Dương, Pháp hiện có ba căn cứ hải quân.

Nhà lãnh đạo của một trong các cường quốc châu Âu (xét về lãnh thổ) tại Thái Bình Dương nhấn mạnh Pháp từng là và luôn muốn duy trì vai trò “một cường quốc Thái Bình Dương." Bên cạnh đó, Pháp có những lợi ích quan trọng ở Ấn Độ Dương mà theo ông Macron, "Pháp rất tích cực trong khu vực Ấn Độ Dương để bảo vệ an ninh tập thể."

Tổng thống Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (phải) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Sydney. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ The Diplomat nhận định rằng Pháp hoàn toàn không phải là một tác nhân mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và ảnh hưởng của Pháp được thấy rõ từ lâu trong các lĩnh vực khác nhau: từ di sản thời thuộc địa, chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại, cho đến các thương vụ bán vũ khí, hay cùng với một số cường quốc khác, đóng góp vào việc bảo tồn trật tự dựa trên luật pháp.

Cùng với khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" nổi lên trong những tháng gần đây cũng như tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình, những bước tiến của Pháp vào khu vực này đang gia tăng rõ rệt.

Sáng kiến của Tổng thống Pháp kết nối với Australia và Ấn Độ trong một "trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mới tạo cơ sở để Paris mở rộng phạm vi hoạt động ở Ấn Độ Dương và Ấn Độ Dương. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng Ba vừa qua, Pháp và Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự ở vùng Ấn Độ Dương. Thỏa thuận này cho phép hải quân Ấn Độ và Pháp tiếp cận và sử dụng các căn cứ của cả hai bên ở Ấn Độ Dương, từ đó hai bên có thể kiểm soát chặt chẽ hơn vùng Ấn Độ Dương, tuyến lưu thông chính của hàng hoá Âu-Á.

Trước đó, Pháp đã có những động thái như bán 36 máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ. Trong khi đó, một trong những mục tiêu chính trong chuyến thăm lần này của ông Macron tới Australia cũng là để khẳng định lại quyết tâm củng cố các quan hệ quốc phòng giữa hai nước sau khi Pháp ký kết thỏa thuận cung cấp tàu ngầm trị giá 38 tỷ USD cho Hải quân Australia năm 2016.

Pháp cũng đang tập trung tăng cường sự hiện diện hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tần suất từ đầu năm tới nay ngày càng tăng. Chương trình huấn luyện của hải quân Pháp "Jeanne d’Arc" được triển khai tại Đông Á và Nam Thái Bình Dương, với sự tham gia của tàu Dixmude lớp Mistral và tàu khu trục nhỏ Surcouf lớp La Fayette.

Tàu khu trục Vendemiaire của Pháp đã ghé thăm Nhật Bản và tham gia đợt huấn luyện với lực lượng hải quân sở tại hồi tháng Hai. Hạm đội hộ tống thuộc "Jeanne d'arc" cũng ghé thăm các hải cảng ở một loạt quốc gia Đông Nam Á, đồng thời tham gia huấn luyện với các lực lượng hải quân trong khu vực cũng như hải quân Mỹ.

Một nhóm hải quân khác của Pháp cũng tiến hành hoạt động huấn luyện ở Ấn Độ Dương. Tàu đổ bộ Tonnerre lớp Mistral và tàu khu trục Chevallier lớp Horizon vừa kết thúc các cuộc diễn tập với hải quân Mỹ ở khu vực bờ biển ngoài khơi Djibouti-một phần trong chiến dịch "Bois Belleau 100."

Đón tiếp Tổng thống Pháp lần này, Thủ tướng Australia Malcolm Turbull đã tuyên bố rằng Australia và Pháp chia sẻ “tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng, và sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện tầm nhìn này thông qua hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động hàng hải, hỗ trợ các nước bạn tại Thái Bình Dương thông qua hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, hoặc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.”

Chuyên gia phân tích chiến lược Rory Medcalf, Giám đốc Đại học An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, mô tả tuyên bố về tầm nhìn chiến lược chung giữa hai nhà lãnh đạo Australia và Pháp hôm 2/5 là “toàn diện và khá sâu sắc, một sự hội tụ đầy tham vọng giữa các lợi ích chiến lược của Pháp và Australia trong sự phát triển mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Còn tại chuyến thăm Ấn Độ trước đó, lãnh đạo Ấn Độ và Pháp cũng đã khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và hòa bình. Có thể thấy rõ sự tương đồng lợi ích chiến lược giữa Paris-New Delhi-Canberra tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các hệ thống chiến lược toàn cầu đặt trọng tâm vào châu Á đang nổi lên hiện nay, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tính đa chiều và rất năng động. Cùng với đó, những thách thức và nguy cơ đối với trật tự và an ninh quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thúc đẩy các nước xây dựng các liên minh trong khu vực. Có thể kể ra đây việc Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tái khởi động liên minh bốn bên, một sáng kiến ngoại giao được khởi xướng từ cách đây một thập kỷ.

Hiện Australia cùng với Pháp và New Zealand đang có một thỏa thuận hợp tác ba bên về cứu hộ thiên tai tại Nam Thái Bình Dương, và một thỏa thuận ít được biết đến hơn giữa bốn bên, bao gồm cả Mỹ, liên quan đến hợp tác quốc phòng. Trong bối cảnh đó, việc ông Macron đến Canberra cùng những đề xuất hợp tác và gợi ý lập “trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mới là một phần trong cam kết mạnh mẽ của Paris đối với khu vực mà Pháp có lợi ích thiết thân này, đồng thời thể hiện vai trò của Pháp như một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục