Tiểu thuyết 'Gia đình có bốn chị em gái': Khắc họa bi kịch của một nhà 'tứ nữ'

Tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy chứa nhiều bí ẩn đầy bi kịch về tình thân gia đình, sự tha hóa nhân cách con người trong xã hội hiện đại.
Quang cảnh buổi tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy dường như đã “giải thiêng” quy luật “tứ nữ bất bần” mà dân gian đúc kết từ xưa, thay vào đó, tác phẩm khắc họa bi kịch của một gia đình trong xã hội hiện đại.

Đó là nhận định chung của nhiều nhà văn, nhà phê bình trong cuộc tọa đàm xoay quanh cuốn tiểu thuyết này. Sự kiện do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ngày 24/10.

Tác giả kể câu chuyện của gia đình ông bà Bình-Bằng có bốn cô con gái đều được dạy bảo và học hành như nhau, vậy mà mỗi người trong “vũ trụ tứ nữ” đó lại có số phận hoàn toàn khác nhau.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. (Ảnh: NVCC)

Đó là cô Thương thèm khát vật chất đến tuyệt vọng; cô Ái thực dụng tới mức độ thô tục; cô An trung thực tới mức bị nghĩ là dở hơi hoặc giả dối; cô Yên cứ mặc kệ mọi thứ rồi đâu sẽ vào đấy, miễn là cứ theo thời cuộc.

Mỗi người trong bọn họ đều cố tìm cách thu vén nhiều nhất cho tổ ấm riêng của mình, điều này đã dẫn tới sự chênh lệch điều kiện sống giữa các gia đình. Chính hố ngăn cách khác biệt về đời sống vật chất và sự thụ hưởng các quyền lợi xã hội đã nuôi lòng đố kị, sau đó là sự thù hận nghiệt ngã giữa Thương và Ái.

Theo tác giả chia sẻ, thông điệp mà bà muốn gửi gắm là sự bất bình đẳng cơ hội vì văn hóa thân tộc, một người làm quan cả họ được nhờ của người Việt.

Theo nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét, đây là một tiểu thuyết hay, hấp dẫn, có sức nặng của tâm tư, cảm xúc và trí tuệ được viết bằng một nhiệt hứng vừa sôi nổi vừa sâu lắng.

“Tác phẩm có những trang viết thực sự cảm động. Chẳng hạn như chương miêu tả ngày giỗ ông thân sinh của bốn chị em. Thật tình là hình ảnh của ông cứ gợi nhớ trong tôi hình bóng của nhà thơ, nhà giáo Phạm Cúc (cha của tác giả) mà sinh thời tôi có được vinh dự quen biết,” nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ.

Tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy khắc họa mâu thuẫn trong gia đình và sự tha hóa trong con người thời hiện đại. (Ảnh: NVCC)

Còn nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam thì cho rằng “Gia đình có bốn chị em gái” là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó.

“Tôi cho rằng tác phẩm này là một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của cái vòng đời đang vây bủa chúng ta. Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này,” nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận định.

Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Sách Tao Đàn liên kết ấn hành, giá bìa 250.000 đồng./.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, là Thạc sỹ quản trị kinh doanh, cử nhân văn chương và tiếng Nga. Từ năm 1986 đến 2000, bà là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn “Chạy trốn” (2013), tiểu thuyết “Đồi cát bay” (2014), tiểu thuyết “Tiếng sáo lạc” (2015), tiểu thuyết “Đáy giếng” (2015), tập truyện ngắn “Zero” (2017).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục