Ngày 19/5, Hội nghị quốc tế Dili về các đường ranh giới hàng hải và luật biển đã diễn ra ở thủ đô Dili, Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste, với sự tham gia của nhiều học giả, các nhà làm chính sách quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Timor-Leste Rui Maria de Araujo đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trong việc xây dựng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp hiện tại và đang nổi lên trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông Araujo cũng cho biết việc Chính phủ Timor-Leste tổ chức hội nghị trên đúng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm thành lập Tòa án Quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc (ITLOS) nhằm khẳng định sự đóng góp của nước này vào việc tuân thủ luật pháp quốc tế, và tạo cơ sở cho việc đàm phán phân định, tạo lập quyền chủ quyền, đường ranh giới hàng hải ổn định, hòa bình với các nước trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, thẩm phán Vladimir Golitsyn, Chủ tịch ITLOS, đã nhấn mạnh tới vai trò của ITLOS trong giải quyết các tranh chấp quốc tế trên biển đồng thời khuyến khích các nước giải quyết tranh chấp biển thông qua các biện pháp ngoại giao và tài phán.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cho rằng công ước luật biển đóng vai trò rất quan trọng trong thời gian qua trong việc giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia đồng thời nhất trí cho rằng các nước cần thể hiện trách nhiệm tuân thủ và áp dụng luật pháp quốc tế để đạt được giải pháp lâu dài và toàn diện về các tranh chấp trên biển.
Các đại biểu cũng thảo luận nhiều khía cạnh liên quan đến giải thích, áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý các tranh chấp, đàm phán phân định đường biên giới biển giữa các nước.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị, tiến sỹ Phan Duy Hảo, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết UNCLOS là điều ước quốc tế quan trọng nhất về các vấn đề biển và đại dương, quy định các vấn đề cơ bản về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biển.
Hiện nay, có 167 quốc gia thành viên công ước và nhiều điều khoản trong công ước trở thành tập quán quốc tế.
Theo công ước này, có nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp trong đó có đàm phán, hòa giải và giải quyết bằng tòa án và trọng tài. Nhiều tranh chấp đã được giải quyết, căn cứ theo công ước luật biển. Ở khu vực châu Á, có ít nhất tám trường hợp tranh chấp được đệ trình đơn phương, trên các cơ chế giải quyết của công ước và cuối cùng được giải quyết hòa bình và phù hợp với luật quốc tế, được các quốc gia liên quan thừa nhận và thực hiện./.